Tự hào là cây xương rồng

Tự hào là cây xương rồng
TP – Biết bao cầu thủ ngoại đã đến rồi một đi không trở lại. Nhưng có một trường hợp đặc biệt, đó là cầu thủ ngoại gốc Uganda nhập tịch Trần Lê Martins, thi đấu ở Việt Nam 10 năm qua.

10 năm qua, cả ngàn cầu thủ ngoại đã đến Việt Nam. Việt Nam trở thành miền đất hứa cho lực lượng lính đánh thuê. Biết bao kỷ lục đã được xác lập rồi bị xô đổ bởi các cầu thủ ngoại. Nhưng có một kỷ lục đến nay chưa ai vượt qua, đó là thời gian thi đấu của cầu thủ nhập tịch Trần Lê Martins (Ronal Martins).

10 năm trước, bóng đá Việt Nam mở cửa với cầu thủ ngoại. Một trong những cầu thủ đầu tiên có mặt tại thời điểm đó là Ronal Martins. Anh khoác áo Công an Hải Phòng. Rồi sau đó, Martins chuyển qua Gạch Đồng Tâm, Ngói Đồng Tâm, Quảng Nam…và từ giai đoạn 2 mùa giải 2009, Martins chính thức mang quốc tịch Việt Nam và đầu quân cho Hòa Phát Hà Nội.

10 năm qua, dường như Martins đang thách thức quy luật của thời gian. Anh có khả năng bám trụ tuyệt vời ở nền bóng đá có tính đào thải khắc nghiệt như Việt Nam. Bây giờ, anh thực sự được Việt hóa từ sinh hoạt, lối sống đến quốc tịch.

Tôi hỏi Martins rằng: “Nguyên nhân nào giúp anh bền bỉ như vậy”? Cầu thủ da màu này cười tinh quái và trả lời rất gợi rằng: “Tôi giống như một cây Baobab ở châu Phi vậy.

Luôn biết cách tích nước để sống giữa hạn hán sa mạc”. Tôi chất vấn: “Nhưng anh đã trở thành người Việt”. Lập tức Martins trả lời: “Thì tôi như cây xương rồng có thể sống trong những điều kiện khắc nghiệt nhất”.

Không hiểu vì sao Martins thích ví mình như những loài cây có sức sống mãnh liệt? Theo dõi hành trình của anh suốt một thập kỷ qua, nhìn hình dáng đến từng bước chạy, tôi hình dung đến một chú đà điểu. Không thấy sự khác biệt giữa Martins ngày hôm nay và 10 năm trước. Vậy nên, dù không hoa mĩ nhưng lối chơi cần mẫn, hiệu quả của Martins là thứ vũ khí linh diệu.

Thích Tết, sợ mùa Xuân

Tự hào là cây xương rồng ảnh 1Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao có thể tồn tại ở V.League lâu đến vậy? Nhà tôi nghèo, mọi người trông chờ vào khoản tiền tôi gửi về. Tôi hiểu trách nhiệm của mình với người vợ và hai đứa con ở Uganda. Tôi phải chiến đấu để nối dài những ngày mưu sinhTự hào là cây xương rồng ảnh 2

Tôi hỏi Martins, điều gì khiến anh nhớ nhất về Việt Nam sau 10 năm gắn bó? Thật bất ngờ khi anh trả lời: “Đó là Tết. Đó là những cảm xúc đan xen mỗi độ Xuân về”.

Thế rồi, như sợ người nghe không hiểu, Martins giải thích bằng cái giọng ngường ngượng nhưng rất Việt Nam: “Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 19 tuổi. Trước đó tôi đã có gần hai năm thi đấu tại Thái Lan. Tôi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, kiếm mức thu nhập cao nuôi cả gia đình, nhưng khi ra đi, tôi mới chỉ là cậu bé mới lớn. Tôi nhớ nhà. Cảm giác của một cậu bé khi phải rời xa mái ấm của mình thật khó chịu.

Cái Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam tại Hải Phòng lạ lẫm lắm. Nó khác với cái Tết của quê tôi. Nó cũng không giống với Tết ở Thái Lan. Chỉ có thể nói rằng nó rất đặc biệt, đặc biệt như văn hóa và con người Việt Nam vậy”.

Bỗng nhiên Martins tỏ ra ngập ngừng, rồi thừa nhận rằng: “Tôi thích Tết nhưng đôi khi có cảm giác cô đơn. Sự cô đơn đó lớn dần và qua năm tháng chuyển thành nỗi sợ hãi. Là cầu thủ đi đá thuê, tôi phải chấp nhận cảnh đời du mục. Nhưng quả thực, chỉ đến Tết tôi mới cảm nhận hết sự cô độc và nỗi nhớ nhà da diết”.

Tự hào là cây xương rồng ảnh 3
Gia đình Trần Lê Martins

Tại sao anh lại cảm thấy sợ trước mùa Xuân? Ngập ngừng một hồi, Martins tâm sự rằng: “Với những người khác, năm mới sẽ mang đến hy vọng mới. Nhưng với tôi, một cầu thủ chuyên nghiệp, năm mới là đối diện với nguy cơ mới. Tôi thực sự sợ khi nghĩ đến một ngày mình không thể chơi với 100% phong độ. Lúc đó, tôi sẽ dừng lại.

Một cầu thủ Việt  Nam có thể làm nhiều việc khác khi đá bóng, thậm chí, rời xa sân cỏ họ cũng có thể làm HLV, kinh doanh nhưng với chúng tôi, điều đó thật xa vời. Tôi sợ tuổi già.

Tôi sợ mình không còn đủ sức chạy, thi đấu và kiếm tiền gửi về cho các con. Những năm qua, tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe bởi nhìn thấy sự hữu hạn trong đời cầu thủ. Tôi cần tiền. Nhưng tôi đã lao động một cách chuyên nghiệp để có nó”.

Nhìn vào mắt Martins, quan sát sự ngập ngừng của anh tôi tin anh nói thật.

Tôi thích được lì xì

“Tôi đặc biệt thích thú khi được kể về cây Nêu. Chỉ ở Việt Nam mới có cây Nêu Tết. Tất nhiên là tôi cũng thích được mừng tuổi. Tết nào các HLV, ông chủ cũng lì xì cho tôi. Không nhiều đâu, nhưng đó là lộc đầu năm, mà ai chẳng thích lộc”.

MỚI - NÓNG