'Tứ hổ' Olympic Việt Nam

'Tứ hổ' Olympic Việt Nam
TP - Trong thành công của đội tuyển Olympic Việt Nam, ngoài những tên tuổi đã “thành danh” như Công Vinh, Thanh Bình còn có những nhân tố mới được ví như luồng gió mát.

Bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn bị cho là thiếu tài năng trẻ nhưng những luồng gió mới ấy đã chứng minh ngược lại.

Nguyễn Vũ Phong: Tiến nhanh như... gió

'Tứ hổ' Olympic Việt Nam ảnh 1
Vũ Phong

Không phải Lê Công Vinh hay Phan Thanh Bình là những tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Olympic Việt Nam mà chính là tiền vệ nhỏ con Nguyễn Vũ Phong. Bốn bàn thắng, đặc biệt là hai bàn vào lưới Olympic Indonesia đã khiến Vũ Phong được xem như người hùng của đội.

Vũ Phong được sinh ra trong một gia đình mê bóng đá, hai anh em Nguyễn Vũ Phương, Nguyễn Vũ Phong được tuyển vào đội U11 huyện Tam Bình, Vĩnh Long khi Phong mới… 9 tuổi.

Dù bé loắt choắt nhưng có kỹ thuật cơ bản, ý thức chiến thuật và một ít “quái chiêu”, Vũ Phong đã nhanh chóng trở thành “sát thủ” ở các giải trẻ U11, U15…

Ở hai mùa giải U15 tranh Cúp Hội Nhà báo Vĩnh Long năm 1998, 1999, Vũ Phong góp phần đưa đội Tam Bình đoạt cúp vô địch và “ẵm” trọn giải Vua phá lưới, Cầu thủ xuất sắc nhất. Năm 2001, Vũ Phong trở thành cầu thủ xuất sắc Giải  vô địch tỉnh...

Tuy nhiên khi tuyển sinh vào Trường TDTT tỉnh thì Vũ Phong bị loại. Lý do là Phong chỉ cao 1,64m trong khi yêu cầu tối thiểu của tuyển sinh là 1,65m. Cuối cùng phải có rất nhiều chữ ký trong tờ đề nghị và cam kết về trình độ cộng với đánh giá cao từ các cán bộ, HLV bóng đá đến lãnh đạo Sở TDTT tỉnh, Vũ Phong mới trúng tuyển.

Từ năm 2003, cái tên Nguyễn Vũ Phong trở thành quen thuộc với người hâm mộ, dẫn đầu danh sách Vua phá lưới giải hạng Ba toàn quốc, rồi những năm tiếp theo có tên trong đội tuyển U18, U20 quốc gia và “lọt mắt xanh” của ông Calisto - khi ấy là Giám đốc kỹ thuật của GĐT.LA.

Ông Calisto muốn có Vũ Phong trong đội GĐT.LA nhưng hợp đồng chuyển nhượng không thành công. Và sau này chính ông Calisto giới thiệu Vũ Phong đến HLV A. Riedl.

Từ chỗ khá “vô danh”, lại thi đấu ở một đội hạng Nhì, Vũ Phong trở thành “đối tượng” săn lùng của hàng loạt các đội bóng như Cần Thơ, Đông Á Thép Pomina, Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn, Thép Pomina Tiền Giang, Gạch ĐT.LA… Cuối cùng Vũ Phong “đậu bến” Bình Dương.

Nhận xét về Vũ Phong, tiền vệ Thạch Bảo Khanh nói: “Phong là một trong những cầu thủ tiến bộ rất nhanh, thi đấu rất tận tuỵ, năng động, thuận cả hai chân, có tốc độ và khả năng sút xa đầy uy lực. Vũ Phong sẽ trở thành trụ cột của đội tuyển trong thời gian ngắn nữa thôi”.

Long Giang: Chất thép Gò Công

'Tứ hổ' Olympic Việt Nam ảnh 2
Long Giang

Nguyễn Thành Long Giang không chỉ được coi là người thay thế tốt cho Huy Hoàng mà còn được ví như Đỗ Khải mới của bóng đá Việt Nam.

HLV Mai Đức Chung nhận xét: “Tôi thực sự thích thú với lối chơi chắc chắn, khôn khéo của Long Giang. Nếu tiếp tục phát triển tốt, em sẽ là trung vệ thép của Việt Nam trong tương lai gần”.

Tại vòng chung kết giải U21 báo Thanh niên năm 2006 tổ chức ở Đà Nẵng, một cầu thủ của đội Tiền Giang khiến tất cả các chuyên gia phải chú ý, không phải vì mái tóc vàng hoe mà chính là lối chơi đầy quyết đoán.

Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh của HAGL cũng như HLV Vương Tiến Dũng của HPHN đều chung quan điểm: “Long Giang là một cầu thủ trẻ nhưng thi đấu chững chạc, tự tin và đầy kỹ thuật”.

Ông Đỗ Văn Minh - HLV đội U21 Tiền Giang - đánh giá: “Long Giang hội đủ mọi tố chất trở thành trung vệ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Em có khả năng “đọc” trận đấu tốt, bọc lót hiệu quả, nổi bật vai trò thủ lĩnh cùng sự dũng mãnh trong lối chơi”.

Lên 5 tuổi Long Giang đã lẽo đẽo theo cha, một cầu thủ nghiệp dư  đến sân Gò Công gần nhà và bắt đầu làm quen với trái bóng tròn từ đó.

11 tuổi, Long Giang đã khoác áo đội tuyển huyện dự Hội khỏe phù đổng tỉnh. Khi nổi lên trong đội hình U21 Tiền Giang, nhiều lãnh đội đã đánh tiếng muốn chuyển nhượng cầu thủ này nhưng lãnh đạo Tiền Giang chỉ cười bởi lâu lắm họ mới có một lứa cầu thủ ưng ý như Long Giang, Phúc Hiệp.

Tương lai còn rất rộng mở với cầu thủ sinh năm 1988 này, còn nhiều thời gian để Long Giang khẳng định mình nhưng ít nhất người hâm mộ có thể tin tưởng sự chắc chắn, quyết liệt và đầy kỹ thuật của cầu thủ này đã tạo nên một bức tường thép đậm chất… Gò Công trước khung thành đội Olympic Việt Nam.

Mai Tiến Thành: Từ chuyến đi Leeds…

'Tứ hổ' Olympic Việt Nam ảnh 3
Mai Tiến Thành

Năm 2002, Mai Tiến Thành đã nổi đình nổi đám khi vượt qua các bài kiểm tra trong cuộc thi chọn cầu thủ đi Leeds học bóng đá. Là người đoạt giải nhất, Mai Tiến Thành cũng là cầu thủ Việt Nam duy nhất được chọn. Đó là thời điểm mà Thành đã “muốn học được những gì tốt nhất để sau này, em lại được đóng góp cho đội tuyển”.

Cuối cùng chuyến đi Leeds ấy chỉ là một cuộc du lịch, Thành không được học gì cả “nhưng chừng ấy cũng đủ để em quyết tâm trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp thực sự”.

Nhưng thật sự chuyến đi học không thành ấy đã để lại một nỗi buồn khó vơi trong cầu thủ trẻ Mai Tiến Thành. Cho đến mùa giải 2006, H.Thanh Hóa chơi cực hay ở giải hạng nhất và Mai Tiến Thành trở thành chân sút số một của đội với 8 bàn thắng.

HLV Lê Đình Chính mỗi khi nhắc đến học trò này đều hào hứng: “Đó là một cầu thủ có năng khiếu bẩm sinh, nhanh nhẹn, kỹ thuật cơ bản khá tốt, đặc biệt là độ lỳ lợm và khả năng quyết đoán trong những pha tranh bóng”.

Nhưng cái mà các thầy quý nhất trong chuyên môn của Mai Tiến Thành là… sự đa năng. Bắt đầu học bóng đá Thành chơi tiền đạo, vào đội tuyển U17 có thể đá hậu vệ trái rồi trung vệ thòng, khi đã ở đội 1 Thanh Hóa, HLV Trần Văn Phúc đẩy lên đá tiền vệ rồi tiền đạo cắm, ở vị trí nào Thành cũng khiến các HLV hài lòng.

Lẽ ra Mai Tiến Thành đã có tên trong đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup hồi năm ngoái nhưng phút chót Thành bị loại do HLV A.Riedl cho rằng Thành còn... non. Nhưng ở đội Olympic, Mai Tiến Thành đã trở thành nhân tố không thể thiếu.

Mai Xuân Hợp: Cánh chim lạ xứ Thanh

'Tứ hổ' Olympic Việt Nam ảnh 4
Mai Xuân Hợp (ngoài cùng bên phải) được các HLV quý mến bởi sự nghiêm túc trong tập luyện.

Mai Xuân Hợp là một cái tên lạ nhưng cho đến giờ này, cầu thủ gốc Thanh Hóa đã thuyết phục được BHL và cả người hâm mộ. HLV Trần Công Minh cho biết: “Hợp đã gây được ấn tượng đối với các thành viên của BHL ngay bởi sự tập luyện rất nghiêm túc và hăng hái, thực hiện các bài tập với sự tập trung cao, sinh hoạt giản dị và chan hòa với đồng đội.

Thoạt đầu, tôi đã cho tất cả các VĐV thi đấu khá tự do, theo những vị trí mà họ thích, kết hợp với việc điều tra ban đầu về quá trình thi đấu ở địa phương để xác định vị trí trong đội.

Mai Xuân Hợp rất thích hợp với vị trí trung vệ. Có tầm vóc rất tốt, lối chơi rất đơn giản, Hợp chơi an toàn, quyết liệt, đánh đầu tốt, có ý thức phối hợp với người đá cặp, biết bọc lót cho đồng đội”.

Chỉ có một điểm mà các thầy chưa vừa lòng là Hợp hay chơi rắn, thường xuyên phạm lỗi trước vòng cấm địa. Biết được điểm yếu của mình, Hợp kiên trì sửa chữa và đã tiến bộ rất nhanh chóng.

HLV Mai Đức Chung khẳng định tương lai của Hợp là một suất ở đội tuyển quốc gia nếu em vẫn giữ được sự nghiêm túc trong tập luyện và không sớm tự thỏa mãn với mình.

* HLV Mai Đức Chung: Vòng loại Olympic Bắc Kinh chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ cầu thủ bóng đá Việt Nam mới, trong đó Mai Xuân Hợp, Vũ Phong, Long Giang, Mai Tiến Thành… được coi là những trường hợp điển hình. Các em đã tiến bộ qua từng trận và đã thi đấu rất thành công.

                      
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.