Từ phu đá đến Olympic London 2012

Từ phu đá đến Olympic London 2012
TP - Tại Giải vô địch cử tạ châu Á diễn ra tại Hàn Quốc kết thúc ngày 30-4, lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn giành HCB, đại diện cho cử tạ Việt Nam tham dự Olympic London 2012.

 > Ai lóe sáng ở Olympic London?

Chàng phu đá đất Đà Nẵng đang bước lên những nấc thang cao nhất của khát vọng chiến thắng số phận…

Lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn
Lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn.

“Em tin vào vận may, nhưng em đặt niềm tin cao hơn vào nghị lực và dám đi ngược lại số phận, chiến thắng hoàn cảnh. Đó cũng là mục tiêu cao nhất của cuộc đời em”, Quốc Toàn nói về lẽ sống của đời mình, sau khi trở thành VĐV Việt Nam đoạt vé tham dự Thế vận hội mùa Hè 2012.

Động lực vượt nghèo khó

Là con thứ ba trong một gia đình nghèo, Toàn sớm chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Mẹ chạy vạy nuôi 5 đứa con cùng người chồng bệnh tật. Giấc mơ chữ nghĩa tạm gác lại khi Toàn mới học lớp 8. Tuy nhỏ con nhưng từ bé Toàn có tiếng là khỏe mạnh, thân hình rắn chắc.

Nhờ một người quen giới thiệu, Toàn đi làm thuê cho một cửa hàng đá thạch cao ở làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đều đặn mỗi sáng, Toàn dậy rất sớm giúp mẹ chở hàng ra chợ rồi hì hụi đạp xe xuống làng đá, chăm chỉ làm việc để mỗi tháng nhận về 500 nghìn đồng lương đưa về giúp mẹ nuôi các em và chạy bệnh cho ba.

“Niềm vui lớn nhất lúc bấy giờ là cầm trên tay những đồng lương vào cuối tháng, chạy về đưa mẹ mua thuốc trị bệnh cho ba, thắp lên niềm hy vọng giúp ba chống chọi bệnh tật”, Toàn nói.

“Trong bất kỳ đấu trường nào, phải luôn nỗ lực hết mình”
“Trong bất kỳ đấu trường nào, phải luôn nỗ lực hết mình”.

Thích được làm con nít

Mỗi lần về nhà, Toàn lại ôm chầm lấy mẹ và các em. Cả ngày quanh quẩn trong nhà. Toàn nói chỉ thích ăn những món mẹ nấu, chơi cùng các em, cháu và đặc biệt rất ghiền truyện tranh. “Những nhân vật trong truyện rất vô tư, hồn nhiên và cũng rất thật nên em rất thích và học được nhiều điều từ đó” - Toàn nói

Số tiền còm cõi của mấy mẹ con kiếm được vơi đi dần cùng căn bệnh quái ác của ba. Nợ nần chồng chất. Mỗi ngày nhìn ánh mắt khắc khoải, héo mòn của mẹ, sự mệt mỏi chống chịu trên giường bệnh của ba, Toàn không khỏi ám ảnh và thầm hứa phải làm một điều gì đó để thoát khỏi cảnh túng quẫn.

Một ngày, khi đang hì hụi bên những phiến đá, bụi bạc trắng mình, Toàn nghe người ta nói Trung tâm Huấn luyện thể thao đang tuyển vận động viên cử tạ. Ý nghĩ thử sức chợt lóe lên trong đầu chàng phu đá Toàn đạp xe một mạch về nhà, bất ngờ thông báo: “Con sẽ đi đăng ký làm VĐV cử tạ”.

Giữa cái nắng chang chang ngày hè, hai mẹ con đạp xe lên Trung tâm xin được gặp HLV Phan Văn Thiện. Chẳng biết nhìn cái vóc dáng đậm, vạm vỡ, chắc nịch hay ánh mắt toát lên ý chí mà HLV đồng ý cho Toàn thử sức.

Toàn bắt duyên với môn cử tạ từ đó. Vẫn với chiếc xe đạp cà tàng, 4 giờ sáng, Toàn lọc cọc đạp xe lên Trung tâm, 5 giờ chiều đạp xe về như một cách rèn luyện thể lực.

Tiền lương lúc ấy chẳng được là bao, Toàn thường cắt khoản phụ cấp ăn trưa để đem về chia sẻ cùng mấy đứa em. Rồi Toàn xin đi làm thêm giờ rảnh rỗi.

Người dân khu phố phường An Khê, quận Thanh Khê đã quen với hình ảnh anh chàng đen nhẻm nhưng rắn rỏi ngày ngày đạp xe đi bỏ sữa cho các quán nước, cửa hàng tạp hóa.

Từ phu đá đến Olympic London 2012 ảnh 3

Năm 2005, lần đầu tiên Toàn được tham dự Giải trẻ toàn quốc ở Hải Dương, bất ngờ giành HCV. Cái tên Quốc Toàn trở nên quen thuộc, thành mối lưu tâm của các HLV. Cũng trong năm đó, người cha thân yêu qua đời do không trụ nổi bệnh ung thư. Tình thương với mẹ, nỗi đau mất cha và lời hứa sẽ thay cha làm trụ cột, chăm sóc các em khiến Toàn đứng vững và chiến thắng số phận.

“Nhiều đêm nó, chăm chăm nhìn vào di ảnh của cha rồi hôm sau lại ra sân tập luyện. Tất cả tiền thưởng, huy chương gì cũng đem về tặng mẹ, tặng em”, bà Lê Thị Quỳnh Nga, mẹ Toàn, tâm sự.

Bà Nga ngày ngày bán bánh canh ở vỉa hè đường Trường Chinh trên đường Quốc lộ 1. Số tiền ít ỏi từ gánh bánh canh không đủ bù đắp những thiệt thòi cho 5 đứa con. Mỗi lần xem tivi, thấy Toàn ra thi đấu, cả nhà lại xúm xít lại xem ủng hộ anh, còn người mẹ len lén chùi nước mắt.

Chỉ người mẹ ấy hiểu, trên đấu trường, chàng lực sỹ ấy mạnh mẽ bao nhiêu thì khi về góc nhà lại “hiền đến tội”. Mỗi chuyến trước và sau khi đi thi đấu, Toàn lại thắp nén nhang báo cho người cha quá cố, ôm chặt mẹ thủ thỉ “Con sẽ cố gắng hết mình”.

Chiến thắng chính mình

Toàn chia sẻ, từ nhỏ đam mê bóng đá nhưng không có điều kiện chiều cao (Toàn cao 1,50 m). “Mình vẫn thấy mình chọn đúng, càng ngày càng thấy đam mê như một cái duyên không thể dứt”, Toàn nói.

Quốc Toàn sum họp cùng gia đình sau SEA Games 2011
Quốc Toàn sum họp cùng gia đình sau SEA Games 2011.

Sau khi đoạt HCV ở Giải trẻ Hải Dương, Toàn tiếp tục gặt hái nhiều thành công, trở thành hạt giống của cử tạ Việt Nam. Năm 2009, Toàn vượt qua đàn anh Hoàng Anh Tuấn để lần đầu thống trị nội dung 56 kg, với tổng thành tích 258 kg. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010, Toàn giành ngôi vô địch với tổng thành tích 261 kg.

Lần đầu tiên tham gia một giải lớn, Toàn đặt mục tiêu SEA Games 2011 là huy chương đồng. Nhưng cậu đã khiến mọi người ngỡ ngàng trước thành công lớn tại mùa SEA Games năm ấy với thành tích HCV hạng cân 56 kg.

“Áp lực mỗi lần thi đấu với em là rất lớn. Lúc đó, em chỉ nghĩ đến mẹ, gia đình, thầy hướng dẫn, và cả những tiếng vỗ tay cổ vũ của người xem khiến em quyết tâm hơn”, Toàn thổ lộ. Với Toàn, thành công không chỉ là những tấm huy chương mà hơn thế là ở niềm hạnh phúc chiến thắng số phận, đem lại niềm vui, tự hào cho người thân, bạn bè.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG