Từ 'Running man' đến 'Phong bì man'

Từ 'Running man' đến 'Phong bì man'
Chuyện một fan hâm mộ bóng đá chạy theo chiếc xe của Arsenal đã được nhắc đến quá nhiều.

Từ 'Running man' đến 'Phong bì man'

> Arsenal mời 'Running man' sang Anh ngày 2/8

> ‘Running man’ làm đại sứ thời trang Viva Fashion 

Chuyện một fan hâm mộ bóng đá chạy theo chiếc xe của Arsenal đã được nhắc đến quá nhiều.

Running Man - Vũ Xuân Tiến (Ảnh: Song Thành)
Running Man - Vũ Xuân Tiến (Ảnh: Song Thành).
 

Hình ảnh “Running man” Vũ Xuân Tiến tràn ngập trên các báo Anh trong những ngày sau đó. Thậm chí hãng tin BBC còn có một bài viết riêng, phỏng vấn Vũ Xuân Tiến.

BBC mới đây cũng có một bài khiến nhiều người chú ý, đó là về nạn phong bì ở các bệnh viện tại Việt Nam.

Bài viết đưa ra nhận định “cùng với giấy tờ tùy thân và đồ đạc cá nhân, phong bì nay trở thành vật không thể thiếu của mỗi người Việt Nam khi tới bệnh viện”. Phong bì đựng tiền được cho là có ý nghĩa “cảm ơn” các bác sỹ trước, trong và sau quá trình điều trị.

Nhiều bệnh viện lớn đã phải đưa ra khẩu hiệu “Nói không với phong bì”. Nhiều bệnh viện nghiêm cấm bác sỹ, bệnh nhân nhận và đưa phong bì.

Thế nhưng khó có thể nói “bệnh phong bì” đã giảm trong lĩnh vực y tế cũng như các lĩnh vực khác.

Trong thể thao, Việt Nam chắc cũng chỉ có một vài “Running man” như Vũ Xuân Tiến và ai dám khẳng định mình chưa từng là một… “Phongbi man” trong cuộc sống?

“Phongbi man”- cứ nôm na là “người cầm phong bì” có thể thấy và hiện diện khắp nơi. Khác nhau là ở chỗ “Running man” đại diện cho hình ảnh cái đẹp, “Phongbi man” mang lại hình ảnh rất xấu.

Dù có phong trào “nói không”, dù có “cấm” thì phải thừa nhận “Phongbi man” là một câu chuyện dài khi mà ranh giới giữa “cảm ơn” và “hối lộ” là rất mong manh. Chính cái tư duy “cảm ơn bằng vật chất” mới thực sự là có giá trị khiến phong bì trở thành một tệ nạn.

Phong bì trong bệnh viện. Vậy thì trong bóng đá có “Phongbi man” không?

Gần 10 năm trước, ông bầu Đoàn Nguyên Đức khốn khổ về chuyện “lì xì” cho trọng tài. Sau đó là hàng loạt trọng tài mất nghề, thậm chí vào trại giam vì nhận “lời cảm ơn” bằng phong bì trong “Cơn bão tiêu cực trọng tài” năm 2005.

Đã có những “Phongbi man” trong bóng đá phải trả những cái giá quá đắt. Thế những không ai dám chắc là bóng đá không còn khái niệm phong bì.

Cách đây không lâu có một nghi án, gọi là nghi án vì không có bằng chứng. Nghi án phong bì 100 triệu mà tổ trọng tài nhận được sau khi làm nhiệm vụ ở sân Thanh Hóa.

Dư luận choáng váng, người trong cuộc thanh minh, cơ quan chức năng tiến hành nghiệp vụ làm rõ. Thậm chí bản thân các trọng tài dù mới chỉ dính “nghi án” nhận phong bì đã bị loại khỏi cuộc chơi V.League, trưởng và phó ban trọng tài cũng bị đình chỉ làm nhiệm vụ.

Đã gọi là nạn phong bì thì phải có người đưa và người nhận. Nghi án trọng tài nhận hối lộ ở sân Thanh Hóa, phía Thanh Hóa khẳng định không bao giờ “cảm ơn” trọng tài bằng phong bì, rồi đội khách HAGL cũng vậy.

Có một điểm tích cực là qua “nghi án” trên, các “Phongbi man” trong bóng đá có vẻ đã rút vào bí mật.

Cho đến khi chính sân Thanh Hóa lại là tâm điểm ở vòng 17. Bầu Đệ của Thanh Hóa cho rằng nhiều “lần phải chịu oan ức bởi trọng tài và nếu “BTC không sớm hành động để cải thiện công tác trọng tài” thì CLB Thanh Hóa sẽ bỏ cuộc.

Liệu có thể hiểu “Thanh Hóa bị… trù dập có hệ thống” bởi không có “Phongbi man”?

Mặc dù BTC khẳng định đây là sai sót mang tính chuyên môn của trọng tài nhưng NHM Thanh Hóa không tin như thế.

Cái ảm ảnh của “văn hóa phong bì” ăn sâu vào tiềm thức và nó tác động lên những suy nghĩ về bóng đá.

Nhưng suy cho cùng, bóng đá cần những “Running man” chứ không cần những “Phongbi man”.

Theo Song An
Thể thao 24h

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG