Từ vụ Puerta đột quỵ: Bóng đá VN cũng cần báo động!

Từ vụ Puerta đột quỵ: Bóng đá VN cũng cần báo động!
TP - Con số thống kê cho thấy, bóng đá thế giới đã chứng kiến hơn 10 cái chết đau lòng như thế. Riêng ở VN cũng đã có cầu thủ đột quỵ và ra đi vĩnh viễn. Thế nhưng dường như các đội bóng Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề này.

>>Nước mắt lặn vào trong
>> Cầu thủ của Sevilla bị đột quỵ cuối tuần qua đã qua đời

Từ vụ Puerta đột quỵ: Bóng đá VN cũng cần báo động! ảnh 1
Từ sự kiện cầu thủ Tây Ban Nha đột quỵ khiến bóng đá VN cần phải nhìn lại vấn đề sức khỏe cầu thủ

Khi trái tim quá tải

Cách đây không lâu, bóng đá Việt Nam phải chứng kiến một cái chết đau lòng, đó là trường hợp của HLV phó đội QK 4 Trần Nam Trung.

Trong một trận đấu tập của đội bóng này, HLV Phó Nam Trung đã gục xuống và ra đi vĩnh viễn. Sau này các bác sỹ mới xác định là anh từng có tiền sử bệnh tim.

Chính căn bệnh tiềm ẩn này đã cướp đi sinh mạng của VĐV môn xe đạp Xuân Tâm trước thềm SEA Games 22.

Sau cái chết của Tâm, nhiều VĐV cũng đã phải trải qua những cuộc kiểm tra sức khỏe ngặt nghèo và phát hiện ra nhiều trường hợp khác ở mức tiềm ẩn như tay chèo thuyền Vũ Đăng Tuấn, VĐV đua xe đạp Thùy Trang... Với những trường hợp này các bác sỹ đã cảnh báo không cho luyện tập vì nguy cơ tử vong rất cao.

Nhưng vẫn chạy tốt

Khi HLV Letard còn làm HLV trưởng đội tuyển U 23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22, ông này rất quan tâm tới y học thể thao, tới mức yêu cầu đội tuyển phải có tới...13 bác sỹ, trong đó có cả bác sỹ dinh dưỡng, bác sỹ nha khoa.

Trong đợt kiểm tra sức khỏe trước ngày lên tập trung, cầu thủ Hoàng Thanh Tùng đã bị xác định là có vấn đề về tim. Ông Letard dù rất thích cầu thủ này nhưng bắt buộc phải trả về địa phương. Thế nhưng, rời khỏi đội tuyển, Thanh Tùng vẫn thi đấu cho Thanh Hóa và cho đến bây giờ cầu thủ này vẫn là trụ cột của H.Thanh Hóa chơi ở V.League.

Không chỉ có Tùng, nhiều VĐV khác cứ lờ đi cảnh báo của bác sỹ hoặc họ vẫn phải thi đấu theo yêu cầu của CLB. Năm 2001, sau khi đoạt hạng 4 châu Á từ đội U 16, tiền đạo Ánh Cường đã bị xác định là có nguy cơ tiềm ẩn về rối loạn nhịp tim nhưng giờ này, sau 5-6 năm, Ánh Cường vẫn thi đấu.

Thời HLV Tavares làm HLV đội tuyển chuẩn bị cho Tiger Cup 2004, hai cầu thủ Lê Anh Dũng và Trường Giang phải thường xuyên đeo máy theo dõi nhịp tim vì đã bị liệt vào danh sách có...nguy cơ.

Không thể chủ quan

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Y đã chứng minh “những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa tế bào thần kinh vận động, một tình trạng dẫn đến bại liệt và tử vong, cao hơn 5 lần người bình thường”.

Trong khi đó, ở Việt Nam, dù đã có những cái chết như của HLV Phó Trần Nam Trung, việc yêu cầu chặt chẽ kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là vấn đề thần kinh và tim mạch vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong danh sách thi đấu của CLB năm nào BTC cũng yêu cầu xác nhận của bác sỹ nhưng hầu hết các xác nhận này đều không phải là của bác sỹ chuyên ngành thể thao, những người rất am hiểu quá trình vận động của các VĐV.

Đã đến lúc cần báo động một lần nữa tình trạng thả lỏng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cầu thủ.

MỚI - NÓNG