Tương lai nào cho Euro?

Tương lai nào cho Euro?
TP - Euro 2012 tại Ba Lan và Ukraine, giải thể thao lớn nhất được tổ chức ở Đông Âu kể từ tấm màn vô hình ngăn cách Đông-Tây bị kéo xuống, đã đạt được những thành công rất đáng khích lệ mặc cho những cuộc tranh cãi bên ngoài sân cỏ về vấn đề phân biệt chủng tộc cùng câu chuyện giam giữ một nhà lãnh đạo phe đối lập ở Ukraine.

Tuy nhiên, khi nhìn về phía trước, rất nhiều nhà bình luận đã lên tiếng lo ngại rằng quyết định mở rộng giải đấu tiếp theo tại Pháp từ 16 lên 24 đội của UEFA sẽ làm suy giảm chất lượng của giải đấu.

Chưa hết, một ngày trước khi trận chung kết diễn ra, chủ tịch UEFA Michel Platini, người từng đăng quang Euro 1984 trong tư cách đội trưởng tuyển Pháp, lại tung thêm một trái bom gây xôn xao dư luận với tuyên bố Euro 2020 có thể được tổ chức trên khắp châu Âu, với 12 đến 13 sân bóng cùng tổ chức, chứ không bó buộc trong phạm vi một hay hai quốc gia như thông lệ.

Đề xuất của người đứng đầu UEFA đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hy vọng giành quyền đăng cai Euro 2020 của Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn tưởng chừng nắm chắc quyền tổ chức Euro 2016 nhưng lại bất ngờ để thua phút chót vào tay người Pháp.

Theo ông Platini, hệ thống hàng không giá rẻ ngày nay đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của các CĐV, vì thế ông muốn “mang Euro tới cho mọi cổ động viên, thay vì cổ động viên đến với Euro”.

Thế nhưng, cũng không thể quên một thực tế là việc khoảng cách giữa hai thành phố tổ chức Euro ở Ba Lan và Ukraine lên đến 1.900km đã buộc các CĐV và các đội bóng sử dụng đường hàng không nhiều hơn hẳn so với trước.

Cùng với đó, hàng tỷ euro đầu tư cho cơ sở hạ tầng, sân bãi, công tác tổ chức của các thành phố đăng cai cũng là bài toán khó cho những địa phương “vùng sâu, vùng xa”.

Trong thời gian tới, UEFA sẽ phải cân nhắc rất kỹ ý tưởng của chủ tịch Michel Platini bởi nếu được thông qua, nó gần như sẽ thay đổi cách tổ chức giải đấu cũng như các người hâm mộ tiếp cận và tham gia vào ngày hội bóng đá lớn nhất cựu lục địa này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG