Tuyển Việt Nam: Thừa công nhân, thiếu nhạc trưởng

Liên quân tuyển và U 23 không thắng nổi Hải Phòng. Ảnh Quang Thắng
Liên quân tuyển và U 23 không thắng nổi Hải Phòng. Ảnh Quang Thắng
Nỗi ưu tư lớn nhất của ông Miura lúc này với tuyển Việt Nam là khả năng điều nhịp của khu trung tuyến. Đơn giản vì tuyển Việt Nam thừa “công nhân” trong khi lại thiếu người chia bài.

Trong trận cầu bất phân thắng bại với Hải Phòng hôm qua, ông Miura đã sử dụng rất nhiều giải pháp cho trục giữa. Ban đầu là cặp Hữu Dũng - Quốc Trung, bộ đôi U.23 Việt Nam - tuyển Việt Nam, sau đó là hàng loạt thử nghiệm theo kiểu tình thế. Nhưng chỉ đến khi Huy Hùng xuất hiện với cái đầu gối quấn băng trắng toát, lối chơi của tuyển mới thật sự có nét.

Nhờ khả năng chia bài của Huy Hùng, Công Phượng - Văn Toàn hay Tuấn Tài mới có đường xâm nhập vào khung gỗ Hải Phòng. Đấy là thời điểm đội bóng của ông Miura tạo ra nhiều tiếng “ồ” nhất từ khán giả xuất hiện tại Mỹ Đình.

Sự xuất hiện của Huy Hùng làm nhiều người nuối tiếc cho sự thiếu vắng này trong màu áo tuyển Việt Nam. Ngô Hoàng Thịnh chấn thương, chia tay luôn giấc mơ SEA Games 28, nhưng tìm một chiếc “máy quét” như Thịnh thời điểm này không khó. Cái khó cho đội bóng của ông Miura chính là một nhạc trưởng, biết điều nhịp và chia bài. Và đấy là vấn đề khiến ông Miura cũng phải thừa nhận, bởi tuyển Việt Nam hay U.23 Việt Nam lúc này chưa có người điều nhịp.

Cái băng gối trắng toát của Huy Hùng hiển nhiên là không kịp để bình phục cho trận găp Thái Lan. Ngay ở U.23 Việt Nam, ông Miura cũng không ép tiến độ với tiền vệ này. Cần có thời gian cho Huy Hùng, và sự hy vọng của ông Miura lớn dần khi tiền vệ này đã ra sân và bắt đầu tìm lại phong độ. Tất nhiên đấy là hy vọng với U.23 Việt Nam chơi tại SEA Games 28.

Trận gặp CHDCND Triều Tiên, ông Miura sử dụng bộ đôi tiền vệ của Hải Phòng: Minh Châu - Khánh Lâm. Đấy là 2 chiếc máy quét đích thực, bất chấp tuổi tác. Họ khiến cho tuyến giữa của tuyển Việt Nam thừa sức chiến đấu, nhưng lại không làm cho lối chơi có thể uyển chuyển. Mặt trái của việc dùng quá nhiều “chiến binh” là sự khô cứng, làm chính ông Miura cũng băn khoăn.

Vấn đề là trong thời điểm này, ông Miura không còn lựa chọn nào khác để lắp vào cỗ máy đã chạy. Sau Minh Châu, Khánh Lâm, ông Miura chỉ còn Quốc Trung. Hoặc nếu cần thiết, ông Miura có thể sử dụng Mai Tiến Thành đá ở trung tâm khu trung tuyến. Nhưng tất cả đều không phải là những “ông chủ” thực thụ, đủ khả năng điều nhịp và giúp lối chơi của tuyển Việt Nam. Với lực lượng ở U.23 Việt Nam, ông Miura chỉ còn Huy Hùng, đáng tiếc là tiền vệ này chắc chắn khó có đủ 100% phong độ khi thời gian đã quá gấp gáp.

Ông Miura biết cái khó của tuyển Việt Nam lúc này, nhưng có lẽ đành chấp nhận với thực tế công nhân có thừa, nhạc trưởng… đi vắng. Một tuần nữa, ông Miura có lời giải cho khu trung tuyến?

Theo Theo Sài gòn giải phóng
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.