U23 Việt Nam-Cỗ máy chính xác

U23 Việt Nam-Cỗ máy chính xác
Tấm vé vào bán kết được thầy trò Miura hoàn tất sớm 1 vòng đấu, biến trận gặp Thái Lan trở thành “thủ tục”. Hành trình trôi chảy của Việt Nam có được là từ đâu?

1. Có đủ trạng thái mà Việt Nam bắt CĐV nhà trải qua: bùng nổ (thắng Malaysia), dễ dàng (thắng Đông Timor), thót tim (thắng Lào) hay vất vả (thắng Brunei). Dù vậy, điều then chốt là Việt Nam đã hoàn tất nhiệm vụ: toàn thắng 4 trận, cùng Thái Lan sớm giành vé vào bán kết. Đấy là chặng đường chính thầy trò Miura có lẽ cũng không nghĩ rằng, họ có thể vượt qua thuận lợi như vậy.


Thật ra với một người như ông Miura, tính thực dụng là yếu tố số một được tôn thờ. Người ta có thể chê bai Việt Nam thiếu bài vở, lối chơi, nhưng điều ấy chẳng là gì nếu đội bóng của ông Miura cứ băng băng tiến lên phía trước bằng những chiến thắng. Giá trị ở giải đấu như SEA Games thì kết quả cuối cùng mới là thước đo, chứ không phải một trận đấu bùng nổ rồi ngậm ngùi về sau. Cần nhớ, bóng đá Việt Nam đã 5 lần thua ở chung kết SEA Games, vì vậy dẫu có ca ngợi thế nào đi nữa, lịch sử vẫn chưa ghi nhận Việt Nam sở hữu tấm HCV.

Ông Miura đang giải quyết vấn đề bằng con đường riêng của mình, cho dù ông thầy người Nhật đã gây ra nhiều cảm giác khó chịu. Sòng phẳng mà nói, việc Việt Nam đang đi trên lộ trình này, nó còn xuất phát từ yếu tố con người. Cứ cho Công Phượng đang là hiện tượng được kỳ vọng chăng nữa, tiền đạo số 10 vẫn chưa thể làm “tắt điện” các đồng đội. Tức là giữa Phượng và đồng đội vẫn đang là “8 lạng, nửa cân”. Cho nên, trong thế giới thiếu bóng thiên tài thì tính kỷ luật và đồng đội để tạo ra sự thực dụng là ưu tiên số 1.

2. Đến giờ, Việt Nam là đội bóng có chính sách sử dụng cầu thủ thông thoáng nhất. Trừ thủ môn Văn Tiến, tất cả quân bài của ông Miura đều đã có cơ hội ra sân, chứng tỏ năng lực. Điều ấy đặt ra một câu hỏi: ông Miura không có bộ khung hay lực lượng của Việt Nam quá đồng đều, giống như tuyên bố của ông thầy người Nhật?

Thứ mà Việt Nam thể hiện khác nhất trong 4 trận đấu trên đất Singapore lúc này so với lứa đàn anh trước đây là sự đa dạng về đội hình. Không dễ cho đối thủ của Việt Nam bắt bài, tìm ra được điểm mấu chốt để bắt chết. Cách dùng người rất “thoáng” của ông Miura là sự khác biệt, kể cả đội hình trong mơ dưới thời HLV Calisto ở SEA Games 2009 cũng không có đủ sự táo bạo như thế.

Lúc này, Việt Nam còn trận "thủ tục” với Thái Lan. Ông Miura tuyên bố muốn có ngôi đầu bảng, nhưng thực tế thì khó xảy ra cảnh Việt Nam tung hết sức lực cho một trận cầu… vô bổ như vậy. Những tính toán hay nhất phải dồn cho trận bán kết vào ngày 13/6 tới, chứ không phải trận cầu với người Thái. Cho nên, đừng ngạc nhiên nếu Việt Nam lại thể hiện bộ mặt rất ngô nghê khi đối đầu với người Thái trong trận đấu thủ tục.

Cỗ máy chính xác thì phải được sắp đặt, tính toán, trong khi Việt Nam thực tế chỉ còn… 2 trận đấu then chốt, thay vì 3 như thủ tục!

Theo Theo Sài Gòn Giải Phóng
MỚI - NÓNG