Ulak - trò chơi của các dũng sĩ

Ulak - trò chơi của các dũng sĩ
TP - Đây là một trò chơi thể thao cổ trên lưng ngựa của những người U-dơ-bếch. Trò chơi này nổi tiếng không kém đấu bò tót của Tây Ban Nha. Cả hai môn đều thu hút hàng nghìn người xem với sự say mê tột độ.
Ulak - trò chơi của các dũng sĩ ảnh 1

Bản chất của trò chơi nằm ở sự khéo léo giành lấy vật hy sinh là một con dê hoặc bò tót đã chết để đem đến đích. Chỉ bằng sự thông minh, sức khỏe, tính linh hoạt và khả năng cưỡi ngựa tuyệt vời, người chơi mới có thể chiến thắng.

Ulak là trò chơi thể thao trên ngựa nổi tiếng nhất không chỉ đối với những người U-dơ-bếch mà còn cả ở những nước láng giềng như Ca-dắc, Kirgizia, Afghanistan, Tadzhikistan.... Với mỗi dân tộc, trò chơi này có cái tên gọi khác nhau, nhưng bản chất thì giống hệt.

Trong những năm gần đây, trò chơi dân tộc này được hồi sinh mạnh mẽ ở các quốc gia Trung Á. Liên đoàn quốc tế Ulak đã được thành lập gồm 10 quốc gia, trong đó có: Trung Quốc,  Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí cả Pháp.

Nhưng thú vị nhất, có lẽ vẫn là khi Ulak được tổ chức trong những đám cưới vào cuối Thu, Đông hoặc đầu Xuân. Mọi người tụ tập về đây có thể đến từ những nơi rất xa. Cần phải chuẩn bị chỗ ăn, ngủ cho tất cả mọi người. Trước khi diễn ra Ulak, không chỉ phải chuẩn bị ngựa mà cả những vật hy sinh là dê hoặc bò rừng.

Trước kia phần thưởng có thể là lạc đà, ngựa, bò rừng, cừu, căn nhà, vải vóc, hoặc những vật dụng nào đó... Còn ngày nay nó được thay bằng ô-tô, TV, hoặc những sản phẩm công nghệ cao khác. Vào thời xưa, giải thưởng tượng trưng giá trị nhất là con trai chủ nhà.

Theo phong tục, sau đó bố của cậu bé hay những người họ hàng phải chuộc lại phần thưởng này. Trước khi diễn ra Ulak, khách khứa được mõ làng mời đến. Mõ thông báo nhà ai có đám cưới và mời mọi người đến dự. Sau bữa tiệc, chủ nhà đề nghị mọi người chúc phúc cho cuộc thi đấu và các kỵ sĩ chỉ lên ngựa sau khi cầu nguyện...

Ulak - trò chơi của các dũng sĩ ảnh 2
Các dũng sĩ U-dơ-bếch đang giành giật con dê

Nơi diễn ra cuộc chơi là một khu đất rộng, đích là hai vòng tròn ở hai đầu trên, dưới. Người quẳng được vật hy sinh vào vòng tròn trên sẽ được phần thưởng lớn hơn.

Vật hy sinh bị tranh giành nhau trên suốt dọc đường. Ai là người chạm tay cuối cùng vào vật hy sinh trước khi nó bị ném vào vòng tròn thì được công nhận là người chiến thắng. Trên đường phân chia sân chơi ra làm đôi là vị trí dành cho trọng tài chính và phụ, vật hy sinh cũng được ném xuống từ đây.

Các quy tắc cuộc thi buộc các dũng sĩ phải chơi một cách trung thực. Theo phong tục, những người đàn ông phải long trọng hứa tuân thủ quy tắc cuộc chơi. Các kỵ sĩ không được phép vượt ra khỏi sân chơi quy định, và người đứng xem không được phép nhặt vật hy sinh dưới đất lên đưa cho các kỵ sĩ.

Người chơi không được húc ngựa vào những kỵ sĩ đang cúi xuống, không được hất ra khỏi yên ngựa người đang giữ vật hy sinh, hoặc giằng lấy vật hy sinh từ đằng sau. Chiến thắng sẽ không được tính nếu vi phạm luật chơi.

Bây giờ quy tắc thi đấu có thay đổi. Nó gần giống như một trận bóng đá. Theo quy định của hiệp hội quốc tế về Ulak, thì các kỵ sĩ sẽ chia làm hai đội và thi đấu 3 hiệp mỗi hiệp 20 phút, trên khoảng không gian rộng 10x200m, gôn là hai ống tròn bằng bê tông đặt ở hai đầu sân chơi, có đường kính to dần xuống phía dưới, đường kính vòng tròn sát đất là 4,4m và vòng tròn trên cùng là 3,6m chiều cao là 1,2m. Đội chiến thắng là đội có số lần ném được vật hy sinh vào gôn của đối phương nhiều hơn.

Ulak làm say mê bất cứ ai dù mới chỉ xem một lần. Cuộc chơi đòi hỏi ở các kỵ sĩ phải có lòng dũng cảm cao. Trong suốt cả những thế kỷ qua, Ulak luôn luôn là trò chơi dân tộc yêu thích của người U-dơ-bếch. Những người hâm mộ hy vọng rằng đến một lúc nào đó, trò chơi thú vị này sẽ có mặt tại các thế vận hội Olympic.

MỚI - NÓNG