Usain Bolt: Như một thiên sứ của điền kinh

Usain Bolt: Như một thiên sứ của điền kinh
Mẹ của Bolt biết rằng con trai có thể trở thành một người đặc biệt từ khi kỷ lục gia tốc độ người Jamaica này mới ba tuần tuổi.

Usain Bolt bừng sáng tại Olympic Bắc Kinh 2008, khi đưa thành tích chạy cự ly ngắn tới mốc thời gian khó phá. Sau đó, tại giải Vô địch thế giới 2009, anh tiếp tục chiến thắng bản thân, lập kỷ lục thế giới ở cả hai nội dung 100m và 200m với thành tích tới nay chưa ai khác có thể tiếp cận.

Nhưng bộ sưu tập huy chương quốc tế của anh đã có HC vàng từ trước đó sáu năm, với chiến thắng ở giải vô địch trẻ thế giới 2002. Tới nay, VĐV 29 tuổi này đã có tất cả bảy HC vàng Olympic, khi mới giành thêm tấm HC vàng 100m tại Rio de Janeiro, và 11 chức vô địch thế giới. Bolt còn thi đấu hai nội dung 200m và đồng đội 4x100m tiếp sức tại Rio 2016, trước khi có thể tuyên bố giã từ đấu trường Thế vận hội như anh úp mở gần đây.

Usain Bolt: Như một thiên sứ của điền kinh ảnh 1

Điền kinh ở Olympic đang nằm dưới gót giày thống trị của Bolt và Jamaica. Ảnh: Reuters.

Thế giới chỉ biết tới "Người nhanh nhất thế giới" từ khoảng một thập kỷ nay. Nhưng mẹ Bolt, bà Jennifer, nói rằng bà đã sớm biết con trai "là người đặc biệt ngay từ lúc nó mới là đưa bé ba tuần tuổi".

Bolt là một cậu vé vui tươi thời mới học chạy tại quê nhà, nhưng cũng khóc mỗi khi thua ở một cuộc đua. “Ngay từ nhỏ nó đã không thích thua cuộc”, cha anh, Wellesley, trả lời phỏng vấn BBC Sport.

Nhưng với Bolt, những giọt nước mắt buồn không có nhiều cơ hội xuất hiện trong chiều dài sự nghiệp của anh. “Ngay từ khi Bolt khoảng năm tuổi, con trai tôi đã luôn giành phần thắng trong các cuộc thi chạy với bạn cùng lớp. Kể từ đó, chúng tôi cảm nhận thấy con trai sẽ trở thành một VĐV vĩ đại”, bà Jennifer nhớ lại.

Nhưng thế giới có thể đã không được thấy Usain Bolt của ngày nay. Thời còn ở trường trung học William Knibb High School, Bolt ban đầu say mê chơi cricket hơn là tập chạy, nói rằng anh “phải lòng môn thể thao này” tới mức “không muốn làm bất cứ thứ gì khác nữa”. Tuy nhiên, cậu thiếu niên cuối cùng cũng phải chú ý tới lời khuyên của giáo viên thể dục Lorna Thorpe.

Bà Thorpe đã bảo Bolt cần phải tập trung toàn bộ tâm trí và sức lực cho điền kinh nếu anh muốn vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp thể thao, vì bà nhận thấy “cả một mỏ vàng ở đôi chân” của Bolt. "Những bước chạy của cậu ấy cho thấy một niềm đam mê. Nếu bạn hỏi Usain về lý do chiến thắng, cậu ấy sẽ nói với bạn rằng đơn giản là đam mê", giáo viên này tâm sự.

Giờ đây, khi đã thành danh, Bolt đánh giá cao ảnh hưởng của người thầy cũ: “Bà giống như người mẹ thứ hai của tôi. Bà giữ một vai trò rất lớn trong sự nghiệp của tôi. Ngày tôi còn học trung học, bà chú ý tới khả năng của tôi, đảm bảo mọi thứ đều tốt đẹp với tôi, luôn ở bên tôi trong thời gian ở trường”.

Thế giới điền kinh đón chào Bolt tài năng. Ở tuổi 15, anh bắt đầu được giới chuyên môn điền kinh chú ý và bàn luận, sau khi chiến thắng ở đường chạy 200m tại giải Vô địch thế giới trẻ 2002 được tổ chức ở quê hương Jamaica. Khi đó, anh thu hút sự chú ý vì đoạt HC vàng trước các đối thủ đều lớn hơn tới ba, bốn tuổi. Anh là VĐV điền kinh ít tuổi nhất từng giành được HC vàng tại giải trẻ thế giới. Cùng năm đó, anh được trao danh hiệu “Ngôi sao đang lên” của Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF). Các trường đại học Mỹ cũng nhanh chóng tiếp cận và đề nghị trao cho ngôi sao trẻ học bổng thể thao.

Usain Bolt: Như một thiên sứ của điền kinh ảnh 2

Bolt sớm bộc lộ năng khiếu thiên bẩm trên các đường chạy trẻ, khi anh chiến thắng nhiều đồng nghiệp lớn hơn vài ba  tuổi. Ảnh: IAAF

Các công ty môi giới thể thao bắt đầu tìm cách ràng buộc tương lai của anh với họ bằng một hợp đồng làm đại diện quản lý. Và sau cùng, Ricky Simms, khi ấy là một nhà môi giới thể thao còn trẻ nhưng giàu tham vọng, đã chiến thắng nhiều công ty hàng đầu khác để giành được chữ ký của Bolt.

“Sau khi tốt nghiệp trung học, các VĐV người Jamaica có truyền thống gia nhập các trường đại học ở Mỹ và ở đó bốn năm trước khi họ chuyển sang thể thao nhà nghề”, Simms cho biết. Nhà quản lý người Ireland nói thêm: "Nhưng Bolt quyết định bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp ngay từ năm 2003, thay vì nhận lời tới các trường đại học của Mỹ”.

Nguồn cảm hứng mới của đường chạy nước rút. Justin Gatlin đoạt HC vàng chạy 100m tại Olympic 2004, ở tuổi 22, sau khi anh từng bị treo giò vì doping hồi năm 2001. Tương lai vì thế như trải ra trước chân của VĐV người Mỹ, nhất là sau khi anh giành thêm HC vàng 100m và 200m tại giải Vô địch thế giới 2005. Tại Athens 2004, Usain Bolt còn là một VĐV thiếu niên không qua được vòng loại cự ly 200m.

Nhưng chỉ bốn năm sau, tại Olympic Bắc Kinh 2008, Gatlin phải ở nhà vì chịu án phạt doping bốn năm (từ 2006), trong khi Bolt như luồng ánh sáng mới trên sân khấu Thế vận hội. VĐV Jamaica giành ba HC vàng Olympic đầu tiên trong sự nghiệp: 100m, 200m, và đồng đội 4x100m tiếp sức. Tại Olympic London 2012, Bolt bảo vệ thành công HC vàng 100m, trong khi Gatlin chỉ giành được HC đồng. Thêm bốn năm nữa, tại Olympic Rio 2016, HC vàng vẫn thuộc về Bolt, còn VĐV 34 tuổi người Mỹ tiếp tục về sau với tấm HC bạc 100m.

“Anh ấy chứng tỏ rằng mỗi khi anh ấy bị tụt lại, anh ấy có thể lập tức trở lại ở phía trước, và khi anh ấy đã ở phía trước anh ấy sẽ vươn tới vị trí cao nhất”, Gatlin nhận xét về Bolt trên truyền hình NBC.

“Bolt là mẫu VĐV bạn muốn coi là mục tiêu phấn đấu và tiến theo sau. Anh ấy tạo ra một tầm nhìn về nơi tôi cảm thấy cần phải tiến tới.  Giờ đây, khi bạn nghĩ về đường chạy nước rút, bạn nghĩ về Gatlin và Bolt. Chúng tôi là những người dẫn dắt cuộc đua. Chúng tôi là những đối thủ đích thực của nhau”, Gatlin coi Bolt như một động lực để anh tìm lại vinh quang sự nghiệp, sau hai lần chịu án phạt doping.

Usain Bolt: Như một thiên sứ của điền kinh ảnh 3

Với những kẻ bám đuổi như Gatlin, sự hiện diện của Bolt là động lực để họ nỗ lực phá các giới hạn của bản thân.

Sau khi gặp nhau tại giải Vô địch thế giới ở Bắc Kinh 2015, các bà mẹ của Bolt và Gatlin giờ trở thành những người bạn. Con trai họ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt tại mỗi giải đấu, nhưng cũng có những khoảnh khắc làm bạn với nhau sau các cuộc đua.

“Chúng tôi đã có một vài đêm đi ra ngoài chơi vui vẻ cùng nhau. Chúng tôi có thể thư giãn và vui đùa trò chuyện với nhau bên ngoài sân điền kinh, nhưng khi chúng tôi bước vào đường chạy chúng tôi muốn đánh bại nhau”, Gatlin chia sẻ thêm.

Các đồng đội cũ và hiện tại nói về Bolt. Asafa Powell, người hai lần lập kỷ lục thế giới chạy 100m trong giai đoạn 2005 và 2008, đánh giá cao tầm quan trọng về sự hiện diện của Bolt tại các giải điền kinh lớn. VĐV 33 này nói: “Sự góp mặt của Bolt tốt cho điền kinh, vì cậu ấy là người chạy nước rút số một và giữ kỷ lục thế giới. Các cuộc đua luôn thu hút được đám đông và náo nhiệt khi có Bolt tham gia. Mọi người đều muốn đánh bại cậu ấy. Bolt rất mạnh mẽ và rất nhanh".

"Có vài lần tôi từng tự nhủ 'Tôi sẽ quyết tâm đối đầu với cậu ấy như thể Tyson và Holyfield', nhưng tôi không thể tìm thấy đủ năng lượng để tạo ra mối quan hệ địch thủ như thế. Chúng tôi đã là bạn của nhau từ trước khi Bolt lập kỷ lục thế giới, giành các HC vàng Olympic, và không có gì thay đổi trong mối quan hệ của chúng tôi. Cậu ấy đơn giản chỉ nổi tiếng hơn tôi nhiều”, Powell nói thêm. Hai người cùng là thành viên đội Jamaica đoạt HC vàng chạy tiếp sức 4x100m tại Bắc Kinh 2008.

Khi Powell kết thúc thất vọng ở vị trí thứ bảy tại giải Vô địch thế giới 2015, Bolt đã động viên đàn anh đồng hương: "Ông anh hãy tiếp tục mạnh mẽ".

Cựu vô địch thế giới Yohan Blake, người giành HC bạc 100m và 200m tại Olympic London 2012, nhận xét về đàn anh hơn ba tuổi: "Bolt luôn đặt mục tiêu rất cao, điều khiến tôi thực sự thích. Là một VĐV trẻ, bạn cần phải hướng tới mục tiêu cao".

Glen Mills, người khắc phục điểm yếu cho Bolt. Glen Mills là HLV trưởng đội tuyển điền kinh Jamaica trong 22 năm, trước khi ông tập trung làm việc với các VĐV chạy nước rút ở Racers Track Club – trung tâm đào tạo điền kinh nổi tiếng của Jamaica ở thủ đô Kingston. Ông là người đã huấn luyện các VĐV giành hơn 100 HC vàng Olympic và thế giới, trong đó có Usain Bolt.

Sau khi ra mắt thất vọng tại đấu trường Olympic ở Athens 2004, Bolt tới gặp Mills để nhờ ông giúp cải thiện thành tích. Và người đàn ông với 42 năm kinh nghiệm đào tạo VĐV chạy đỉnh cao đã điều chỉnh Bolt thành siêu sao thế giới.

“Usain là một VĐV có năng khiếu hiếm thấy. Nhưng khi tôi bắt đầu làm việc với cậu ấy, tôi nhận thấy một điểm yếu của cậu ấy trong cách dịch chuyển cơ thể, giống như một cỗ máy hỏng. Cậu ấy mất thăng bằng khi chạy, khi lực kéo và lực cản cùng xuất hiện. Phong cách của Bolt khi ấy liên tục khiến cậu ấy gặp vấn đề với gân kheo”, Mills cho biết.

“Và rồi chúng tôi quay video các buổi tập luyện của cậu ấy, cùng nhau phân tích lại qua những góc hình quay chậm để chỉ ra chính xác những gì cậu ấy đang làm sai. Tôi sau đó vẽ đồ hình và chỉ cho cậu ấy vị trí cần phải làm việc, tập luyện để cải thiện vấn đề”, Mills nói thêm.

“Cậu ấy làm việc rất chăm chỉ, và đạt được thành công. Mọi người cần biết, Bolt tập luyện cũng rất nghiêm túc như khi tham gia các cuộc đua. Thời gian qua, chúng tôi luôn nghiêm túc đánh giá cao tất cả các đối thủ, trong đó có Gatlin. Nhưng sự thật là Bolt không có nhiều điều đáng phải lo ngại khi cậu ấy có sự chuẩn bị và đạt trạng thái tốt nhất”, Mills nhấn mạnh.

Bolt sẽ thế nào sau khi giải nghệ. Bolt hiện sinh sống ở thủ đô Kingston. Nhưng người con trai nổi tiếng nhất của xứ đạo Trelawney luôn được chào đón nồng ấm mỗi khi trở về quê nhà. Tại đây, cha anh Wellesley vẫn làm việc trong một cửa hàng địa phương, vốn tồn tại hơn nửa thế kỷ.

Người bạn thân nhất Nugent Walker cho biết: “Bolt chưa bao giờ quên nơi anh ấy sinh ra và lớn lên”. Quỹ từ thiện do Bolt lập ra đã tài trợ một xe buýt và toàn bộ máy tính cho trường học cũ của anh. Quỹ này cũng thanh toán chi phí xây dựng lại Trung tâm y tế ở làng Sherwood Content, nơi Bolt chào đời.

Mẹ anh, Jennifer, hy vọng con trai sẽ dành nhiều thời gian hơn bên gia đình sau khi giải nghệ. Bà nói: “Usain sẽ có thể đi tới khắp mọi nơi mà nó muốn, sau khi không còn thi đấu. Mọi người luôn muốn đến gần bên nó. Usain vẫn giữ được tính cách đáng yêu như khi nó còn tham dự giải Vô địch trẻ thế giới năm 2002, vẫn biết lắng nghe lời cha mẹ”.

“Tôi muốn con trai mình trở thành một đại sứ của điền kinh, bởi vì Bolt đã mang niềm vui và sự thú vị tới cho môn thể thao này. Sau khi con trai tôi giã từ sự nghiệp thi đấu, bạn không biết ai sẽ khẳng định được hình ảnh như nó. Không có Bolt, đường chạy có lẽ sẽ thực sự buồn tẻ”, bà Jennifer nói thêm.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.