VFF đã xin lỗi, rồi sao nữa?

Ông Dũng nói không thể chiều cầu thủ mãi
Ông Dũng nói không thể chiều cầu thủ mãi
Ngay sau trận thua, một thông điệp được gửi ngay lên trang web chính thức của VFF để xin lỗi. Nó ngắn gọn và quen thuộc đến lạ bởi đây không phải là lần đầu tiên người ta nghe lời xin lỗi kiểu này.

> Nghi vấn tiêu cực sau thất bại của U-23 VN

Rõ ràng, VFF nhân danh tập thể để xin lỗi người hâm mộ cả nước sau những sai lầm trong lãnh vực do mình quản lý. Nhưng, cũng như ở nhiều lãnh vực khác, việc nhận lỗi tập thể rồi “không kỷ luật cá nhân” khiến nhiều người tự hỏi, vậy thì xin lỗi để làm sai tiếp à?

Đây không phải là lần đầu VFF xin lỗi về thất bại của mình, điều này khiến nhiều người hồ nghi rằng, sau lần xin lỗi này sẽ còn những lần xin lỗi kế tiếp. Vì sao ư? Vì đơn giản là vẫn còn những con người đã làm lỗi ở nguyên vị trí ấy, nếu không nói là ở lại một cách vững chắc hơn sau khi một thời gian dài đã “làm quen” với việc thiếu trách nhiệm và nói câu xin lỗi một cách khách sáo.

Nhìn lại hành trình của đội U23 Việt Nam sẽ thấy, với người hâm mộ, với các nhà chuyên môn, nó đã được dự báo từ sớm. Nhưng mặc, bỏ ngoài tai tất cả những lời thật mất lòng ấy, U23 Việt Nam vẫn được “cha nó” vẽ nên một viễn cảnh đầy mộng mơ. Nào là mục tiêu phải vào đến chung kết SEA Games, nào là tiền thưởng cả triệu đô đã được chuẩn bị chỉ chờ trao tay. Nói chung, một tương lai quá đẹp, một cái kết mỹ mãn mà không ít người cũng đành nghe vì bùi tai.

Nhưng rồi sao, một U23 Việt Nam vá chỗ này lủng chỗ kia. Về chuyên môn là cả một sự thất bại bởi nếu không may mắn nằm ở bảng đấu nhẹ, e rằng ngay cả việc lọt vào bán kết cũng khó chứ đừng nói. Về tinh thần, cứ hỏi những cổ động viên trót tin vào “lời đường mật” về trận đấu danh dự có mặt trên sân Bung Karno thì sẽ thấy sự phẫn nộ đến dường nào. Về niềm tin, e rằng thứ này cũng chẳng còn mấy khi đầy rẫy trên các trang web là những bình luận về những nghi ngờ bán độ ở các trận đấu mà U23 Việt Nam đã thi đấu ở SEA Games, là những cái tên đã bị người hâm mộ đặt vào tầm ngắm.

Một sự thất bại toàn diện nhưng trên hết tất cả, đó là mất niềm tin vào những người điều hành cấp cao. Rõ ràng, đã qua cái thời người dân chỉ biết nghe và tin, giờ thông tin được cập nhật từng phút ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó là sự hiểu biết đã được nâng lên đáng kể khiến chỉ có sự thật và trách nhiệm với các lời nói, hành động mới được tin. Rất tiếc, những thứ ấy hoàn toàn không có ở kỳ SEA Games này ở đội bóng U23 Việt Nam.

Một thành viên của ban huấn luyện vào sáng qua 22.11 khi ra sân bay về lại Việt Nam đã nhắn tin chào các phóng viên rằng: “Thôi anh về đây, thế là kết thúc cuộc phiêu lưu của chú dế mèn”. Nó rất đúng bản chất những gì đang diễn ra với bóng đá Việt Nam. Nó không hơn không kém một cuộc phiêu lưu mà chẳng biết phía trước phải đối đầu với điều gì và kết cục của cuộc phiêu lưu thường chẳng may mắn cho lắm.

Bóng đá Việt Nam là tấm gương phản chiếu lại bộ mặt thật của xã hội, chính những người làm bóng đá đã có lần nhận định như vậy. Vậy thì, có gì mà buồn khi chúng ta không thể thắng vì lỗi trong yếu kém khâu điều hành, lỗi trong việc không truy nguyên cụ thể thất bại là do tiêu cực hay vì lẽ gì…

Những ai yêu bóng đá Việt Nam đều quá quen với lời xin lỗi, thậm chí người ta còn nói thẳng: “Thắng do may, thua do lỗi”. Vậy thì xin lỗi rồi sao nữa khi mà niềm tin càng lúc càng bị bào mòn.

Hãy nhìn để thấy sự hào hứng của người dân khi các ông bầu bóng đá làm “cách mạng” để đảm bảo rằng bóng đá sẽ được trong sạch hoá để hiểu rằng, thời gian cho những lời xin lỗi chẳng còn nhiều, cái gọi là “trách nhiệm tập thể” e rằng cũng chẳng còn bao lâu.

Hoá ra, lần thất bại của bóng đá Việt Nam tại SEA Games lại hay, nó đẩy nhu cầu cải tổ bộ máy điều hành nền bóng đá Việt Nam lên tới một ngưỡng cao mới, ngưỡng không thể cưỡng được.

Vậy thì nên vui mới phải chứ?

Theo SGTT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG