VFF hay “bãi đáp” tổ hưu?

Với tình hình bóng đá Việt Nam đang đứng trước những triển vọng phát triển mới, bản thân VFF có lẽ đang cần những người trẻ. (Một giải đấu quốc nội V-league 2017). Ảnh: Nhật Minh.
Với tình hình bóng đá Việt Nam đang đứng trước những triển vọng phát triển mới, bản thân VFF có lẽ đang cần những người trẻ. (Một giải đấu quốc nội V-league 2017). Ảnh: Nhật Minh.
TP - Đã có tiền lệ nhiều liên đoàn thể thao trở thành “bãi đáp” cho các quan chức đã nghỉ hưu, và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng không phải ngoại lệ.

Đại hội nhiệm kỳ VIII VFF dự kiến được lùi sang tháng 4 tới nhằm hoàn tất cơ cấu nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ nghỉ và việc ai thay vị trí của ông Dũng đang trở thành một vấn đề nóng bỏng.

Theo thông tin của PV Tiền Phong, ứng viên được giới thiệu cho chiếc ghế ông Lê Hùng Dũng để lại khá đông. Nổi bật phải kể tới những nhân vật như nguyên Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế, Giám đốc Trung tâm TDTT 2 (Tp Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn hay Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa… Điểm chung của những người này là đều có thời gian gắn bó, hoặc tham gia các hoạt động liên quan tới thể thao và bóng đá. Đơn cử, ngoài tham gia HĐQT VPF, ông Nguyễn Công Khế còn nhiều năm gắn với giải U21 quốc gia, giải đấu là bệ đỡ cho nhiều tài năng bóng đá trẻ Việt Nam. So với những tiêu chí đặt ra đối với vị trí Chủ tịch VFF như: có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam, am hiểu bóng đá sâu sắc hay có quan hệ tốt đối với các cơ quan báo chí, truyền thông…ông Nguyễn Công Khế có thể xem là một ứng viên lớn.

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những ứng viên khi được giới thiệu đang gây nhiều lo ngại cho giới bóng đá. Điều này xuất phát bởi những vấn đề gây tranh cãi trong quá trình hoạt động công tác, đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Một vấn đề khác cũng cần xem xét thấu đáo nếu nhìn vào thực tế Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Do vấn đề sức khoẻ, đôi năm trở lại đây, ông Dũng gần như phải giao phó công việc cho Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn và ban Tổng thư ký. Ứng viên Chủ tịch VFF sắp tới vì vậy cần đảm bảo sức khoẻ, nhiệt huyết và trách nhiệm được gắn chặt với công việc.

Ở góc độ này thì việc nhiều ứng viên đang ngấp nghé thời gian nghỉ hưu (60 tuổi) quả rất đáng bàn. Tuổi trên nhưng chưa muốn nghỉ việc, vẫn còn mong muốn cống hiến cho bóng đá là rất đáng hoan nghênh, nhưng sức khoẻ, tinh thần trách nhiệm là những vấn đề cần thiết phải đặt ra.

Trên thực tế, nhiều liên đoàn thể thao lâu nay bị xem như “bãi đáp” cho các quan chức trong ngành đã về hưu, và VFF cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên với tình hình bóng đá Việt Nam đang đứng trước những triển vọng phát triển mới, bản thân VFF có lẽ đang cần những người trẻ, thực sự năng động. Thành công của U23 Việt Nam vừa qua cho thấy, nếu được quan tâm, đầu tư mạnh hơn, bóng đá hoàn toàn có khả năng phát triển tốt hơn trong tương lai.

Trong số các đời chủ tịch VFF gần đây thì thành công nhất phải kể tới ông Nguyễn Trọng Hỷ. Dưới thời ông Hỷ, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, điển hình là chức vô địch AFF Cup 2008 và HCB SEA Games 2009. Ông Hỷ cũng có thể xem là trường hợp xuất sắc khi duy trì và tập hợp được những người giỏi nhất xung quanh mình. Tuy nhiên vào giai đoạn cuối khi ông Nguyễn Trọng Hỷ đã nghỉ hưu, bóng đá Việt Nam đã không còn đạt được thành tựu tốt như trước.

Nói điều này không phải nhằm chê ông Nguyễn Trọng Hỷ bởi những đóng góp của ông cho bóng đá Việt Nam vẫn hết sức tốt, ít đời chủ tịch nào làm được, nhưng phần nào để thấy, Chủ tịch VFF cần thiết là một người chịu sự ràng buộc về mặt quản lý nhà nước, có sức khỏe và nhiệt tâm.

Để tận dụng được thời cơ mới đang đặt ra, VFF nhất thiết không nên bị xem là mảnh đất để những người cơ hội làm “chuyến tàu vét” trước khi hồi viên.

MỚI - NÓNG