Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh:

Việt dã Tiền Phong là di sản quý của thể thao VN

Nguyên Trưởng đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games Nguyễn Hồng Minh trao đổi bên lề lễ khai mạc Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 57 năm 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nguyên Trưởng đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games Nguyễn Hồng Minh trao đổi bên lề lễ khai mạc Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 57 năm 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh cho rằng Việt dã và marathon toàn quốc giải báo Tiền Phong thực sự là một di sản quý giá của thể thao Việt Nam (TTVN) đang được giữ gìn, phát huy.

Cũng là một giải đấu quốc nội như hàng trăm cuộc khác trong năm của TTVN, đâu là những khác biệt của Việt dã và marathon toàn quốc báo Tiền Phong để ông khẳng định đó là một di sản quý trong 70 năm phát triển ngành thể thao?

Theo tôi, có ba điểm khác biệt, cũng là ba giá trị đặc biệt làm nên thương hiệu cho giải mà không cuộc đấu nào của TTVN đạt tới.

Thứ nhất, ngay từ khi ra đời, Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong đã luôn là  mô hình cổ vũ, thúc đẩy một cách toàn diện, trực tiếp cho phong trào rèn luyện thân thể, phong trào chạy trên khắp cả nước, kể cả những địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Giải đấu liên tục phát hiện, đào tạo nên một nguồn VĐV dồi dào, chất lượng cao cho điền kinh Việt Nam. Có thể khẳng định, tất cả các tài năng ở các cự li chạy trung bình và dài đều được lộ sáng và tỏa sáng qua giải”.

 Ông Nguyễn Hồng Minh

Thứ hai, giải đấu luôn thực sự giống như một ngày hội lớn của những người làm điền kinh hay yêu môn điền kinh, với ý nghĩa vượt xa tầm mức của một cuộc thi tài chuyên môn. Đây là nơi hội tụ của các thế hệ HLV, VĐV, bên cạnh hàng loạt nhân tố mới, trong một niềm đam mê cùng tinh thần hào sảng chung từ  HLV tóc bạc phơ cả đời gắn bó với đường chạy đến một em bé 11, 12 tuổi vừa mới tập luyện được vài tháng.

Ngoài hai đặc sản kể trên, còn phải kể đến điểm quan trọng thứ ba về chuyên môn khi giải đấu liên tục phát hiện, đào tạo nên một nguồn VĐV dồi dào, chất lượng cao cho điền kinh Việt Nam. Có thể khẳng định, tất cả các tài năng ở các cự li chạy trung bình và dài đều được lộ sáng và tỏa sáng qua giải.

Nếu nhìn từ cả một nền thể thao cách mạng chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập mới càng thấy rõ Việt dã toàn quốc và marathon là một di sản sáng giá, với những giá trị lớn lao, riêng biệt được gìn giữ, phát huy. Tôi cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới của các nhà tổ chức, mà trực tiếp là báo Tiền Phong, để giải đấu trở thành một điển hình mang tính kiểu mẫu trong sự kết nối giữa phong trào với đỉnh cao, và ngày càng được nâng tầm.

Ông nhìn nhận như thế nào về tính điển hình kiểu mẫu ấy, cũng như những nỗ lực đổi mới, nâng tầm của giải?

Hiếm có giải quốc gia nào tại Việt Nam, nếu không muốn nói là không có, tạo nên được một nền tảng với hệ thống 4 tuyến, bắt đầu từ cấp xã trên khắp cả nước, gắn với đối tượng, địa bàn cụ thể, như giải này. Riêng giải toàn quốc, từ lâu đã có cách làm rất sáng tạo, hiện đại và phù hợp với điều kiện thực tế là tiến hành phân cấp VĐV theo lứa tuổi, trình độ qua các nội dung của hai hệ nâng cao và phong trào. Việc tổ chức bán marathon, rồi mới đây là marathon cũng là một minh chứng sinh động cho quyết tâm nâng tầm của Ban tổ chức.

Với tư cách một chuyên gia, theo ông, chúng ta phải làm gì để tiếp tục nâng tầm giải đấu? Quan điểm của ông về việc Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong không còn được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc?

Như tôi đã để cập việc các nhà tổ chức có thể duy trì và phát huy được cả một di sản của TTVN đã là một quyết tâm nỗ lực hiếm có. Tôi rất mong giải đấu sẽ ngày càng được nâng tầm, từng bước vươn ra quốc tế, mà trong đó theo tôi, ngoài chuyện cần tập trung hơn nữa cho nội dung marathon hay cố gắng nâng cao mức thưởng, chúng ta cũng nên sớm tiến tới mời các VĐV nước ngoài, kể cả những tên tuổi hàng đầu tham dự. Tôi tin rằng sự xuất hiện của VĐV quốc tế sẽ tạo nên một bước đột phá mới cho giải.

Quả thật việc giải không còn nằm trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc 2014 đã ít nhiều ảnh hưởng đến phong trào, động lực đầu tư phấn đấu, cụ thể như các mùa 2014 và 2015. Điều này ngành thể thao cần phải xem xét, nghiên cứu thấu đáo trên nhiều phương diện chứ không chỉ chuyên môn để có một giải pháp mới cho phù hợp, nhất là nội dung marathon. Tuy nhiên tôi cho rằng, sự ảnh hưởng ấy cũng chỉ là phản ứng tức thời, còn Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong đã có một vị thế, sức nặng hoàn toàn không bị phụ thuộc vào Đại hội TDTT toàn quốc. Đơn cử, mùa 2016, số đoàn tham dự giải đã tăng vọt tới 10 đoàn so với giải trước. 

Cảm ơn ông.

Việt dã Tiền Phong là di sản quý của thể thao VN ảnh 1
Việt dã Tiền Phong là di sản quý của thể thao VN ảnh 2
MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.