Việt Nam đang bỏ Thái Lan lại phía sau?

U23 Việt Nam đã có chiến thắng đậm trước U23 Thái Lan trên sân Mỹ Ðình tối 26/3. Ảnh: NHƯ Ý ​
U23 Việt Nam đã có chiến thắng đậm trước U23 Thái Lan trên sân Mỹ Ðình tối 26/3. Ảnh: NHƯ Ý ​
TP - Sẽ rất dễ dàng để đưa ra nhận định trên nếu đặt trong so sánh tương quan thành tích của bóng đá Việt Nam và Thái Lan hơn một năm qua. Tuy nhiên, phía sau các con số thống kê đơn thuần còn nhiều vấn đề cần đánh giá kỹ.

Chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan tối 26/3 là trận thắng đậm nhất của bóng đá Việt Nam trước người Thái. Tại Tiger Cup 1998, đội tuyển Việt Nam với lứa Hồng Sơn từng đánh bại Thái Lan 3-0, nhưng sau đó thua Singapore ở trận chung kết. Từ đó tới nay, Thái Lan luôn được xem là “ông lớn” số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, trận thắng trên sân vận động Mỹ Đình tối 26/3 chỉ là sự tiếp nối một loạt thành công của bóng đá Việt Nam hơn 1 năm qua. Cùng thời gian đó, có thể thấy thành tích các ĐTQG Thái Lan chững lại. Cụ thể như tháng 1/2018, trong khi U23 Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng thì U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo đã tạo nên cơn địa chấn châu lục khi vào tới tận trận Chung kết để kết thúc với vị trí Á quân VCK U23 châu Á 2018 (tại Trung Quốc). Không lâu sau đó, Olympic Việt Nam tạo cột mốc lịch sử mới khi vào tới bán kết Asiad tại Indonesia. Cuối năm 2018, đội tuyển Việt Nam đoạt ngôi vô địch AFF Cup sau khi đánh bại Malaysia sau 2 lượt trận Chung kết. Thái Lan thi đấu không thành công ở cả hai giải đấu trên.

Tại vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam đã giành vé dự VCK với vị trí nhất bảng K, được 9 điểm sau 3 trận toàn thắng. Đội bóng của ông Park Hang Seo ghi 11 bàn thắng, không để thua bàn nào. Nếu không tính Thái Lan dự VCK với tư cách nước chủ nhà thì Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á giành quyền dự giải đấu này.

Với từng đó con số thống kê, sẽ rất dễ dàng để đưa ra nhận định, bóng đá Việt Nam đang vượt lên phía trước và bỏ Thái Lan lại đằng sau. Trong 5 năm trở lại đây, chúng ta đã có một lứa cầu thủ xuất sắc và chính các nhân tố này là nền tảng cho những thành công vừa qua. Có thể kể tới những cái tên như Công Phượng, Lương Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn… (HAGL) hay Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Duy Mạnh (CLB Hà Nội), Bùi Tiến Dũng (Viettel). LĐBĐVN (VFF) nhiệm kỳ 7 đã đặt ra định hướng đầu tư cho bóng đá trẻ, cùng với đó là hoạt động của những trung tâm như HAGL, PVF, SLNA…đang giúp chúng ta mỗi năm đều cho ra lò những lứa cầu thủ trẻ nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, bóng đá Việt Nam chắc chắn cần tiếp tục được đầu tư bài bản, tỉnh táo hơn nữa để có thể thực sự vượt qua Thái Lan. Ở phạm vi chuyên môn hẹp, trong cuộc đối đầu trên sân Mỹ Đình tối 26/3, U23 Thái Lan chỉ có 3 cầu thủ đang thi đấu ở Thai-league, gồm Shinnaphat Leeaoh (Chiangrai United), Supachok, và Supachai Jaided (Buriram United). U23 Việt Nam trong khi đó ra sân với thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Đình Trọng, hậu vệ Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Quang Hải và tiền đạo Đức Chinh thực tế là tuyển thủ quốc gia. Chưa kể, Thành Chung, Hoàng Đức, Thái Quý, Việt Hưng đều có kinh nghiệm thi đấu ở V-League. Thái Lan, do việc đã chắc chắn dự VCK, cũng không có sự khát khao cần thiết để chơi với 100% sức trước U23 Việt Nam.

Dĩ nhiên, việc lứa Quang Hải được thi đấu nhiều, cọ xát thường xuyên ở các giải đấu lớn là thành công của bóng đá Việt Nam. Nhưng từ đó có thể thấy, sẽ là quá sớm để tự tin chúng ta đã vượt qua Thái Lan. Cùng cần để ý thêm, trong khi bóng đá Thái đang tạo ra giá trị rất lớn bằng việc học mô hình của giải Ngoại hạng Anh thì tất cả các CLB ở V-League đều đang lỗ. Tất cả các CLB đều phải sống dựa vào nguồn tiền của các ông bầu, kể cả những đội như HAGL.

MỚI - NÓNG