Vinh ơi, Vinh ở, đừng về

Vinh ơi, Vinh ở, đừng về
Với sáu trận đấu được ra sân, trong đó có ba trận đấu được chơi trọn vẹn 90 phút, hành trình của ngôi sao bóng đá Việt Nam đã tạm dừng lại. Và giờ thì câu chuyện, liệu Công Vinh có nên về lại Việt Nam hay không đang rất nóng.

> Công Vinh tổ chức sinh nhật cho Thủy Tiên ở Nhật
> Công Vinh xin hồi hương trước hạn

Nhìn lại chặng đường mà Công Vinh đã đi trên đất Nhật, quả không bằng phẳng chút nào. Dẫu được coi là cầu thủ không thể thiếu của đội tuyển Việt Nam, nhưng ở đội bóng hạng 2 đất Nhật, Vinh vẫn phải ngồi dự bị miệt mài. Vinh chỉ được vào sân khi cầu thủ chủ chốt trong đội chấn thương, bị thẻ phạt hoặc ở trận đấu mà nhà tài trợ mời giới truyền thông Việt Nam sang xem, đội của họ thi đấu với một đội đang xếp ở nhóm cuối bảng. Không ít người đã cười khẩy vào cái thành tích cỏn con ấy bởi so với Huỳnh Đức ngày sang Đại Liên – Trung Quốc thi đấu, Vinh chưa thể sánh.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Nếu chịu khó nhìn kỹ, người hâm mộ sẽ thấy Vinh đã có những biến chuyển tích cực từ ngày không còn là sao trên đất Việt. Vinh với sự quyết liệt vốn có đã tập nhiều hơn cả khi vào đội tuyển. Vinh, với sự khôn ngoan đã chấp nhận là cầu thủ dự bị và chờ từng cơ hội mà không hề thể hiện thái độ. Nó rất khác so với những ngày mà Vinh ở đỉnh cao sau AFF Cup 2008. Lúc ấy, Vinh ở đội tuyển, chơi chính thức như một điều hiển nhiên. Thậm chí, sau ông Calisto, nhiều huấn luyện viên từ đội tuyển đến câu lạc bộ đã phải nhìn sắc mặt Vinh để ứng xử “cho phải phép”.

Thất bại ở AFF Cup 2012 là một minh chứng cụ thể nhất. Khi ấy, nhiều người đã không ngần ngại gán cho Vinh là “quyền lực đen” bởi Vinh ở thời điểm đó chơi không tốt nhưng ông Phan Thanh Hùng vẫn cứ phải xếp anh vào sân. Trên sân Vinh chỉ “bắt liên lạc” với vài cầu thủ, ông Hùng cũng nhận ra điều ấy nhưng chẳng thể thay Vinh ra.

Chính Công Vinh cũng thừa nhận, những ngày ngắn ngủi tập cùng đội bóng hạng 2 của Nhật đã giúp Vinh ngộ ra nhiều điều. Vinh cho biết mình khoẻ hơn nhờ tập khác đi và chăm hơn, biết chăm sóc sức khoẻ một cách khoa học.

Và ngay cả các kỹ năng chơi bóng, những tưởng đã định hình ở một ngôi sao gần tới tuổi về hưu thì Vinh cũng cho biết, giờ đây anh dứt điểm tốt hơn, bén hơn. Và còn gì ý nghĩa hơn, dù là chồng, là cha nhưng giờ Vinh mới thốt lên “tôi trưởng thành hơn nhiều” sau chuyến đi ngắn ngày này.

Trên hết, ở xứ người dường như có một Công Vinh khác hẳn trong văn hoá và cách ứng xử. Trước đây, ở V-League, Công Vinh đã từng bị dính án “thách đấu” với trọng tài ngay trên sân rồi sau đó gọi điện cho ông chủ tịch VFF để “méc”. Thậm chí, hình ảnh Công Vinh quỳ vái trọng tài trên sân Cao Lãnh – Đồng Tháp vẫn còn lưu đầy trên mạng. Và ở những đội bóng tại Việt Nam, Vinh mặc nhiên được coi là “ngồi ở mâm trên”. Anh có thể gõ cửa phòng huấn luyện viên để “trao đổi” về lối chơi hoặc chí ít phải sắp anh ở vị trí mà anh muốn, như đã từng làm với huấn luyện viên Phan Thanh Hùng ở Hà Nội T&T. Chuyện “bàn chiến thuật” cùng người có quyền ở đội bóng cũng chẳng lạ với Vinh. Thì ở xứ người, hình ảnh Công Vinh cúi người cám ơn đồng đội đã tham dự buổi tiệc sinh nhật Thuỷ Tiên mà anh tổ chức khiến không ít người ngỡ ngàng. Và sẽ còn ngỡ ngàng nhiều nếu nhìn những hình ảnh anh cảm ơn cổ động viên đội nhà trên sân hay chia sẻ sự vui mừng khi được vào sân với đồng đội.

Vậy thì, khi mà thời gian chơi bóng đỉnh cao không còn nhiều, khi mà sự tích luỹ kinh nghiệm trong việc xây dựng một đội bóng nhằm hướng tới mục tiêu, tiếp tục gắn với bóng đá sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ mà Vinh đã đặt ra đang cận kề. Vinh ơi, hãy ở lại Nhật để học hỏi thêm, để tránh những chấn thương đáng tiếc đầy rẫy ở V-League, vốn được coi là giải “đỉnh cao” của bạo lực trong khu vực. Ở lại, Vinh sẽ không phải phục vụ đội tuyển như những đồng đội khốn khổ của anh ở các trận đấu mà đến VFF cũng chẳng mặn mà, với lý do hết sức chính đáng. Hơn nữa, học cách ứng xử văn hoá vốn được coi là điều khó khăn nhất cho các cầu thủ ở môi trường tranh tối tranh sáng như ở V-League, Vinh ở Nhật có điều kiện học hỏi tốt hơn nhiều. Cơ hội cải thiện văn hoá, cách ứng xử ở một môi trường tốt vậy là điều quý lắm.

Phía đội bóng Nhật của Vinh đang đề nghị, sẽ đổi cho Sông Lam Nghệ An một cầu thủ trẻ, hay thậm chí hơn Vinh bởi họ cần Vinh không chỉ để đá bóng. Và Công Vinh cũng đã thổ lộ, ở Nhật thi đấu chính là điều tốt. Nếu đã “vì ta cần nhau” đến thế, chắc Vinh nên ở lại Nhật thêm Vinh ạ, đừng nghĩ đến vài tỉ đồng chuyển nhượng ở giải đấu nước Việt mà làm gì. Ngày xưa, Vinh đã từng bỏ Thể Công để sang với bầu Hiển, bỏ bầu Hiển sang bầu Kiên trong sự ngỡ ngàng của những người trong cuộc, giờ để rời khỏi Sông Lam Nghệ An, lý gì lại không có cách.

Vinh nhỉ?!

Theo Thảo Du
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG