Hôm nay, công bố danh hiệu Quả bóng Vàng  2009:

Vinh quang cho “người gác đền”?

Vinh quang cho “người gác đền”?
TP - Nếu giành chiến thắng, Bùi Tấn Trường sẽ nối tiếp các đàn anh Võ Văn Hạnh (2001) và Dương Hồng Sơn (2008), trở thành  thủ môn thứ ba giành danh hiệu Quả bóng vàng (QBV) trong lịch sử 15 lần bầu chọn.
Vinh quang cho “người gác đền”? ảnh 1
“Người gác đền” Tấn Trường sẽ giành QBV?

Có một điểm chắc chắn, thủ thành vừa lập kỷ lục với khoản tiền “lót tay” 5 tỷ đồng của CLB Cao Su Đồng Tháp đã có tên trong tốp 5 vị trí cao nhất. Và theo nguồn tin của Tiền Phong, chiểu theo số phiếu bầu của giới truyền thông, Tấn Trường giành được khá nhiều ưu ái.

Xét về thành tích trong năm 2009, Tấn Trường khá nổi bật nếu so với các ứng viên còn lại. Ở cấp độ CLB, Cao Su Đồng Tháp có một mùa giải ấn tượng ngay khi trở lại V.League, với vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng, vượt qua cả các “ông lớn” như HA.GL, XM.HP hay ĐT.LA...

Dĩ nhiên, trong thành tích của đội bóng Đồng Tháp Mười, vai trò của Tấn Trường là không phải bàn cãi. Nhưng, phong độ chói sáng trong màu áo đội tuyển U23 Việt Nam mới thực sự là bàn đạp đưa Tấn Trường lọt vào danh sách 5 người xuất sắc nhất.

Đặc biệt là, việc nén đau với cái vai bị trật khớp xương để thi đấu đến phút cuối cùng trong trận chung kết với Malaysia ở SEA Games 25, giúp Tấn Trường ghi điểm trong mắt người hâm mộ cũng như giới truyền thông.

Theo như thừa nhận của Tấn Trường khi nằm điều trị vết thương trong bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) sau đó, anh đã chủ động xin thi đấu tiếp, bất chấp yêu cầu của HLV Calisto. Trước thái độ quyết tâm của học trò, ông Calisto chịu nhường, như một ngoại lệ.

Ngoài Bùi Tấn Trường, cả Phạm Thành Lương (CLB HN.ACB) và Nguyễn Vũ Phong (CLB B.Bình Dương) đều có tên. Đây cũng chính là hai đối thủ mạnh nhất của Bùi Tấn Trường trong cuộc đua trở thành chủ nhân của QBV thứ 15.

Nếu như Thành Lương là nhân tố không thể thiếu ở U23 Việt Nam của HLV Calisto trong hành trình tiến vào trận chung kết SEA Games 25, thì Vũ Phong lại được nhắc đến với vai trò tiền vệ chạy cánh xuất sắc nhất của B.Bình Dương.

Hơn thế, những người nhớ lâu còn chưa quên cảm giác buồn tủi của Vũ Phong khi bị “lọt” trong cuộc bầu chọn QBV 2008, cho dù anh chính là người có công lớn đưa ĐTVN vượt qua vòng loại để sau đó giành chức vô địch AFF Cup 2008.

Cùng với 3 cầu thủ vừa kể tên, một cầu thủ khác cũng có tên trong tốp 5 là tiền vệ Mai Tiến Thành (CLB The Vissai Ninh Bình). Người cuối cùng trong danh sách trên, là tiền đạo CLB Hà Nội T&T Lê Công Vinh.

Sự xuất hiện của Công Vinh trong tốp 5 có thể coi là một bất ngờ, đặt trong bối cảnh những sự cố không mấy vui vẻ xảy ra liên tiếp gần đây với tiền đạo gốc Nghệ.

Chưa kể, phong độ của Công Vinh trong màu áo ĐTVN cũng không được đánh giá cao, nếu không muốn nói là gây thất vọng. Kết thúc V.League 2009, CLB Hà Nội T&T của Công Vinh cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 4, dưới cả SLNA.

Nếu so với năm 2008, những người bầu chọn đã gặp khá nhiều khó khăn để lựa ra cái tên xứng đáng nhất. Lý do bởi các ứng viên đều  sàn sàn nhau. Minh chứng rõ nét là chênh lệch số phiếu bầu giữa 5 vị trí đều không quá cao. Thậm chí trong tốp 3, khoảng cách giữa các vị trí nhất, nhì, ba còn thấp hơn.

Một điểm đáng chú ý khác, liên quan tới phiếu bầu của HLV Calisto. Năm ngoái, ông Calisto được cho là đã gây bất ngờ khi chấm trung vệ Vũ Như Thành (B.Bình Dương) cho danh hiệu QBV, chứ không phải thủ môn Dương Hồng Sơn.

Nhưng năm nay, nhà cầm quân Bồ Đào Nha được cho là đã bầu khá giống với đại đa số các lá phiếu của giới truyền thông. Phiếu bầu của HLV Calisto cũng chủ yếu tập trung cho các cầu thủ thuộc biên chế ĐTQG.

Ở cuộc đua tới danh hiệu QBV dành cho nữ, TP.HCM áp đảo với 3 người lọt vào tốp 5 là tiền đạo Kim Chi, thủ môn Kiều Trinh và tiền vệ Kim Hồng. Hai người còn lại là tiền vệ Văn Thị Thanh (Hà Nam) và trung vệ Đào Thị Miện (HN Tràng An 1).

Danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất khó “thoát” khỏi tay tiền vệ của CLB SLNA, Nguyễn Trọng Hoàng.

MỚI - NÓNG