V-League: Bạo lực tăng, khán giả giảm

V-League: Bạo lực tăng, khán giả giảm
Bóng đá được xem là môn thể thao vua bởi tính cạnh tranh, sự hấp dẫn của các trận đấu. Chính vì thế, sân cỏ càng xuất hiện nhiều hình ảnh bạo lực, chất lượng các trận đấu càng bị giảm sút. Tiếc thay, sau 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta vẫn phải nhìn nhận, bạo lực đang tràn lan trên sân cỏ Việt Nam.
V-League: Bạo lực tăng, khán giả giảm ảnh 1

Ban huấn luyện đội Navibank Sài Gòn phản ứng trọng tài Văn Quyết

Bạo lực tăng, khán giả giảm

Tại V-League 2010, số thẻ đỏ được sử dụng là 44 chiếc (trung bình 0,24 thẻ/trận). Nhưng nếu so với số thẻ đỏ của mùa giải năm nay, mới thấy tình trạng bạo lực của mùa trước vẫn chưa thấm vào đâu. Có tổng cộng 794 thẻ vàng (trung bình 4,36 thẻ/trận), 63 thẻ đỏ (trung bình 0,34 thẻ/trận) đã được rút ra.

Vậy nhưng số lượng thẻ vẫn chưa phản ảnh đủ sự ngột ngạt tại các giải đấu ở Việt Nam. Hành vi ứng xử thô bạo của giới quần đùi áo số trên sân cỏ đã ở trên mức báo động đỏ.

Ở trận Hoàng Anh Gia Lai – Khánh Hòa tại vòng 23, có đến 3 cầu thủ phải vào bệnh viện là ví dụ sát sườn. Đáng buồn là thói quen xấu ấy giờ không chỉ gói gọn trong phạm vi của một vài đội bóng xưa giờ quen đá dữ như Sông Lam Nghệ An hay Hải Phòng mà còn lan rộng ra hàng loạt đội, kể cả các đội vẫn được xem là “lành” như Bình Dương, Đồng Tháp.

Bạo lực leo thang, chất lượng chuyên môn lại có xu hướng giảm sút. Nếu lấy khán giả - người tiêu dùng là thước đo đánh giá chất lượng một sản phẩm, rõ ràng bóng đá nội đang mỗi lúc một kém hấp dẫn trong mắt người hâm mộ Việt Nam.

Kết thúc V-League 2011, ước tính trung bình mỗi trận đấu, có trên 7.300 người đến sân, thấp hơn số khán giả trung bình của mùa giải trước khoảng 1.000 người/trận. Dĩ nhiên, đó mới chỉ là thống kê từ VFF, nơi luôn có thói quen đưa ra con số cao hơn thực tế.

So với các năm trước, mùa giải 2011, các sân bóng nổi tiếng về sự cuồng nhiệt như Lạch Tray, Vinh, Bình Dương đều sụt từ 2.000-4.000 khán giả/trận, trong khi những sân vốn đìu hiu như Thống Nhất, Hàng Đẫy cũng chẳng khá hơn một chút nào.

Kỷ cương, đạo đức bị buông lỏng

Theo thống kê sơ bộ, có 15 trọng tài bị phản ứng dữ dội trên sân đến mức trận đấu phải tạm dừng. 2 trọng tài bị tấn công phải nhờ lực lượng an ninh can thiệp. Có 5 trường hợp HLV bị cấm chỉ đạo từ 2-4 trận. Chưa kể đến việc cầu thủ dọa giết trọng tài hay các HLV chửi bới các vua sân cỏ trực tiếp trên sân.

Cũng tại mùa giải 2011, một số cầu thủ bị đánh bên ngoài sân cỏ theo kiểu xã hội đen. Gây hấn với nhau trên sân chưa đủ, có cầu thủ còn nhờ người ngoài can thiệp để giải quyết xung đột với đồng nghiệp, như tiền vệ Tấn Tài (K.Khánh Hòa) gọi người lạ dằn mặt đồng đội Minh Sơn cách đây không lâu.

V-League: Bạo lực tăng, khán giả giảm ảnh 2

Cầu thủ đội Hà Nội ACB tranh luận một cách căng thẳng với trọng tài Đỗ Quốc Hoài.

Những con số nói trên đã phản ảnh một sự thật đau lòng đó là kỷ cương trên sân cỏ đang bị xem thường đến mức ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải thốt lên: “Cứ như thế này thì chẳng còn ai dám cầm còi nữa”. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến mức tình trạng bạo lực ở mùa giải vừa qua. Tựu trung, đấy là hệ quả tất yếu từ việc buông lỏng quản lý, sự nới tay của các cán bộ quản lý ở từng đội bóng cho đến sự xuống cấp về mặt đạo đức của chính các cầu thủ.

Bản thân các CLB chủ quản cũng chưa trang bị đủ cho cầu thủ của mình kiến thức và sự chuẩn mực khi hành xử trên sân. Vì với hầu hết các đội bóng, điều quan trọng nhất là thành tích, là chiến thắng và đôi khi họ chấp nhận để cho cầu thủ của mình thực hiện mọi biện pháp chỉ cốt hướng đến chiến thắng.

Ban tổ chức V-League cũng bất lực trong việc ngăn chặn bạo lực sân cỏ, khi cánh tay nối dài của những người điều hành cuộc chơi là trọng tài cũng không ít lần mất phương hướng đến mức bị dư luận đặt dấu hỏi về tính trung thực. Ban tổ chức giải luôn luôn lúng túng trong các quyết định xử phạt của mình. Bộ phận kỷ luật đưa ra mức án rất cao nhưng đến bộ phận khiếu nại lại giảm hình phạt xuống phân nửa.

Người ta vẫn nói vui rằng những án phạt của ban tổ chức giải thường biết “nhìn mặt” đối tượng. Người nắm luật mà còn bị nghi ngờ về cách hành luật, rất khó để tạo được cái uy đối với những người tham gia cuộc chơi.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG