V.League JSC: Kinh nghiệm của Nhật Bản

V.League JSC: Kinh nghiệm của Nhật Bản
TP - Mô hình công ty tổ chức, quản lý, điều hành giải đấu của Nhật Bản được AFC khuyến khích các quốc gia trong khu vực áp dụng. Việt Nam đang học hỏi mô hình này để bổ sung cho đề án V.League JSC.

> Mô hình quản lý V-League: Lại lùm xùm

Lãnh đạo VFF và các ông chủ CLB vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mô hình công ty tổ chức V.League. Ảnh: VSI
Lãnh đạo VFF và các ông chủ CLB vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mô hình công ty tổ chức V.League. Ảnh: VSI.
 

Bộ phận quan trọng nhất trong công ty nói trên là Hội đồng điều hành, bao gồm 18 thành viên: 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 15 giám đốc (trưởng ban). Mỗi giám đốc phụ trách một mảng công việc cụ thể. Trong đó, 3 giám đốc chịu trách nhiệm chính đối với các vấn đề chuyên môn là người của LĐBĐ Nhật Bản, 6 giám đốc là người của các CLB (cộng cả ở J-League 1 (18) và J-League 2 (20) là 38 CLB). Sáu giám đốc còn lại là người của các tổ chức ngoài xã hội.

Trong công ty trên không có khái niệm cổ phần. Thay vào đấy, các đội bóng tham dự giải phải đóng một khoản gọi là phí hội viên. 60 triệu Yên (với các đội J-League 1) và 40 triệu Yên (J-League 2). CLB thăng từ hạng 2 lên hạng 1 sẽ phải đóng thêm 20 triệu Yên. Nhưng một đội hạng 1 bị chuyển xuống hạng 2 không được rút lại 20 triệu Yên. Ngoài ra, mỗi CLB hàng năm đều phải đóng thêm một khoản lệ phí thi đấu.

Theo Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, đây là thông lệ, không chỉ với bóng đá mà cho tất cả các môn khác. “Tây” hay ta đều vậy. Cộng tất cả các khoản trên, công ty sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh, tiền lãi thu về được chia cho các CLB theo tỷ lệ 2:1 (J-League 1/J-League 2). Nguồn thu bao gồm: tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình, các khoản dịch vụ liên quan tới hoạt động bóng đá…

Năm 2009, tổng thu của công ty trên lên tới 155 triệu USD (riêng tiền bản quyền truyền hình chiếm 83 triệu USD). LĐBĐ Nhật Bản không được thụ hưởng từ các khoản thu trên do đã được nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động.

Quá trình xây dựng đề án thành lập V.League JSC vừa qua, VFF đã đưa ra đề xuất chuyển từ mô hình công ty cổ phần sang công ty TNHH. Đề xuất này đã không nhận được sự hưởng ứng của nhiều CLB, bởi lo ngại với mô hình công ty TNHH VFF sẽ tiếp tục một mình nắm quyền chi phối các giải đấu.

Ở chiều ngược lại, theo tìm hiểu của Tiền Phong, lãnh đạo VFF và ngành thể thao cũng tính tới khả năng nếu theo mô hình công ty cổ phần, các CLB một thời điểm nào đó có thể bán cổ phần của mình ra ngoài.

“Đặt trường hợp 1 CLB hay tổ chức nào đó gom cổ phần tới một số lượng nhất định, đủ để chi phối các hoạt động của công ty, khi ấy rất khó đảm bảo bóng đá VN có được lái theo đúng định hướng hay không. Đây là khả năng buộc phải tính tới trước khi thành lập công ty”, một lãnh đạo VFF nói.

Do những bất đồng trong quá trình xây dựng đề án thành lập V.League JSC, VFF hiện đang lên kế hoạch tổ chức hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo ngành thể thao, các CLB…

Bước tiếp theo là cử đoàn tham quan Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 quốc gia có nền bóng đá phát triển, mô hình tổ chức giải đấu được coi là có nhiều ưu điểm. Đoàn sẽ bao gồm cả người của VFF và đại diện các CLB để nói như một lãnh đạo VFF, “các CLB sẽ cùng được tìm hiểu, tránh trường hợp cho rằng VFF làm không minh bạch”.

Hôm qua, có thông tin đề án thành lập V.League JSC của VFF đã bị Bộ VH-TT&DL bác. Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định, vẫn cố gắng để V.League JSC có thể đươc thành lập vào mùa giải 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG