V-League mùa sau vắng khán giả?

Không nhiều khán giả đến sân xem hai đội bóng hàng đầu V-League tranh tài. Ảnh: VSI.
Không nhiều khán giả đến sân xem hai đội bóng hàng đầu V-League tranh tài. Ảnh: VSI.
TP - Cuối V-League mùa trước, lượng khán giả xuống đáy, đầu mùa này, số người đến sân tăng trở lại, hồi sinh nhưng cuối mùa họ lại quay lưng với bóng đá.

Giậm chân tại chỗ

Chưa từng thấy một giải đấu nào như ở V-League mùa giải 2014-2015, khi khẩu hiệu “đá đẹp có rớt hạng cũng sướng” được coi trọng hơn ngôi vô địch. Khán giả chỉ dõi theo một đội bóng trẻ mang tính giải trí nhiều hơn là mang bản chất của một đội bóng chuyên nghiệp. Và họ coi trọng bóng đá đẹp mắt hơn là bóng đá mang tính cạnh tranh.

Ngay từ đầu, khi nhận lời tài trợ cho V-League, Toyota kỳ vọng giải đấu sẽ không còn có những thông tin tiêu cực như những mùa trước và trở thành giải đấu hấp dẫn hơn, nhưng liệu nhà tài trợ có thỏa mãn?

Hãy so sánh, chỉ trước hội nghị tổng kết các giải bóng đá Việt Nam mùa giải 2015 đúng 3 ngày, Toyota gia hạn hợp đồng tài trợ cho Thai-League với khoản tiền lên đến 8 triệu USD, gấp 6 lần số tiền nhà tài trợ Nhật này chi cho V-League. Điều đáng nói, đó cũng không phải là nhà tài trợ lớn duy nhất của bóng đá Thái cấp CLB.

Cách đây chưa lâu, truyền thông châu Á rúng động khi kênh True Visions mua bản quyền Thai Premier League trong 3 mùa giải với mức giá kỷ lục 57 triệu USD, nghĩa là mỗi CLB Thái Lan sẽ nhận được ít nhất 12 tỷ đồng/mùa từ gói tài trợ ấy. Trước đó nữa, AIA Thái Lan đồng ý tài trợ cho 3 hạng đấu cao nhất của Thái Lan với số tiền lên tới 13 triệu USD. Đó là chưa kể hàng loạt hợp đồng nhỏ, hợp đồng song phương của các CLB ký trực tiếp với các đối tác trong nước và quốc tế.

Còn ở ta, LĐBĐVN (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) từng đưa rất nhiều đoàn quan chức sang Nhật Bản tham quan học tập nhưng không hiểu sao vẫn cứ để giải đấu cao nhất VN “giậm chân tại chỗ”.

Bóng đá vì điều gì?

Khán giả Việt Nam rất yêu bóng đá, vì vậy họ cũng rất am tường. Khán giả không thể đến sân xem các trận đấu không dành cho họ, không thể ủng hộ những đội bóng không thuộc về họ. Bóng đá trên thế giới, dù ở hình thức nào thì vẫn luôn tồn tại để phục vụ người hâm mộ, nhưng ở Việt Nam thì không như vậy. Có một nguyên lý vĩnh cửu: bóng đá không vì khán giả trước sau gì cũng sẽ không còn tồn tại!

Có ai của VFF thống kê số khán giả thực sự của Hà Nội T&T? Nếu có thì sẽ bất ngờ khi biết đội bóng số 2 Việt Nam hiện có lượng khán giả thuộc hàng thấp nhất V-League.

Trong hai mùa giải gần đây, đội nào xuống hạng là giải thể luôn. Năm 2013 là Kienlongbank Kiên Giang, năm 2014 là Hùng Vương An Giang, còn năm nay là Đồng Nai. Tương lai của CLB Đồng Nai vẫn chưa rõ ràng và không loại trừ khả năng bị giải thể. VPF vẫn không tìm hiểu vấn đề này nằm ở đâu?

Trong lúc đó, VFF, VPF và BTC đã “tổng” nhưng vẫn chưa “kết” được những vấn đề đang làm ảnh hưởng đến gốc rễ của bóng đá Việt Nam. V-League 2015 không có nhiều chuyển biến tích cực nào sau 15 năm tiến lên bóng đá chuyên nghiệp. Những thay đổi về trưởng giải là người Việt, trẻ trung, năng động; trưởng ban trọng tài có kinh nghiệm lâu năm... cũng chưa thể xóa hết những ảnh hưởng tiêu cực “thâm căn cố đế” của bóng đá Việt Nam, khiến người hâm mộ quay lưng lại với bóng đá.

Kiểu làm bóng đá “né tránh” này mùa sau lấy gì kéo khán giả đến sân?

Hồi đầu mùa giải, HA.GL đi đến đâu là người xem chật như nêm bởi người ta trông chờ một hiện tượng có thể gây bất ngờ. Đó được xem như tín hiệu đáng mừng của một mùa giải mới sau thời gian bóng đá khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Nhưng rồi khán giả cũng thưa dần, ngay ở sân Pleiku. CĐV Hải Phòng thì đã lên tận sân Mỹ Đình để làm băng-rôn, khẩu hiệu phản đối, rồi CĐV Quảng Ninh, Thanh Hóa và đặc biệt là SLNA… cũng quay lưng với đội bóng của mình.

MỚI - NÓNG