V-League và những nghịch lý

Các cầu thủ Than Quảng Ninh ăn mừng chiến thắng
Các cầu thủ Than Quảng Ninh ăn mừng chiến thắng
TP - Nhiều đội bóng ao ước bao nhiêu cũng không nhận được tình yêu của người xem, nhưng có những đội bóng lại sẵn sàng vứt bỏ điều đó. Nghịch lý đang diễn ra ở V-League trong một mùa giải nhiều biến cố nhưng cũng rất lôi cuốn.  

“Nói đơn giản, tên gọi một đội bóng không phải cái để mua, để bán. Tên gọi đó là giá trị lịch sử, là linh hồn. Đội Hà Nội khi lên V-League đã chuyển vào Tp Hồ Chí Minh và lấy tên là Sài Gòn với sân nhà Thống Nhất. Nhưng người thành phố không dành trọn con tim cho đội bóng này, vi thực chất họ biết đây chỉ là đội bóng “hồn Hà Nội, da Sài Gòn”. Sự dịch chuyển hộ khẩu rồi đổi cả tên họ không phải là tình yêu bóng đá chân chính, mà là tham vọng: tìm kiếm thị trường mới! Làm bóng đá phải bằng cái tâm”.

Đây là dòng “tút” trên một trang facebook cá nhân rất có tâm với bóng đá Việt Nam, không xa lạ với giới bóng đá khi bàn về chuyện chuyển “hộ khẩu” của Sài Gòn FC trước đây. Hiểu theo nghĩa này thì chuyện Sài Gòn FC hồi mùa giải qua được bán cho ông chủ mới chỉ là một cú “sang tay” giữa các ông chủ. Thực trạng của Sài Gòn FC hiện giờ vẫn vậy, họ vẫn rất ít CĐV dù đang dẫn đầu V-League nếu so với những HAGL, Thanh Hoá hay Nam Định.

Ngoài chuyện gốc gác, lối chơi thực dụng thậm chí đến mức phản cảm để người hâm mộ phải phản ứng khiến Sài Gòn FC không “quyến rũ” được người xem. Trên sân Pleiku, đội bóng của HLV Vũ Tiến Thành đã bị CĐV HAGL chỉ trích kịch liệt vì liên tục các tình huống nằm sân. Tới sân Hàng Đẫy, họ một lần nữa bị CĐV Hà Nội chê bai. Lối chơi bị đánh giá thiếu tính cống hiến của Sài Gòn FC dĩ nhiên không tạo nên sức hút với CĐV nên ngay cả những trận đấu trên sân nhà của họ cũng thiếu khán giả.

Than Quảng Ninh lại là một ví dụ ngược lại cho những điều tưởng chừng không ở đâu có thể xảy ra. Đội bóng đất mỏ đang trong nhóm tranh chấp huy chương V-League với 19 điểm sau 11 vòng đấu, chỉ kém đội đầu bảng Sài Gòn FC 4 điểm. Về lý thuyết, với lực lượng vào loại mạnh và khoảng cách trên, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đủ khả năng để mơ tới ngôi cao, thoả mãn niềm khát khao mãnh liệt của người hâm mộ đất mỏ. Than Quảng Ninh là một trong số ít các đội bóng sở hữu lượng CĐV hùng hậu, chuyên nghiệp và cũng cuồng nhiệt nhất ở V-League, khiến đội bóng nào cũng phải ghen tị.

Nhưng “đùng một cái”, lãnh đạo đội bóng đẩy đi 3 cái tên đang là trụ cột CLB cho “láng giềng” Hải Phòng: Diego Fagan, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú. Trên trang cá nhân, ngoại binh Fagan đã bày tỏ tâm trạng cực “sốc” khi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Từ vị trí ứng viên đua vô địch, cả 3 cầu thủ trên chuyển sang…đua trụ hạng chỉ vì một quyết định khó hiểu của lãnh đạo.

Người hâm mộ Quảng Ninh đã bị phản bội! CĐV Vũ Thuý, được biết đến với câu hát “bay lên nào là em bay ra ngoài” gắn liền với các trận đấu của đội tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam các năm qua đã lên trang cá nhân tuyên bố rút khỏi hội CĐV Quảng Ninh, ngừng cổ vũ cho đội bóng. Vũ Thuý chia sẻ, chị như cảm thấy bị ghẻ lạnh, phản bội!

Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thuý và những CĐV nhiệt thành của Than Quảng Ninh không quản ngại đi theo đội bóng dù xa hay gần, sân nhà hay sân khách chỉ để động viên tinh thần toàn đội. Chiến thắng, thành tích của đội nhà là niềm tự hào, hạnh phúc lớn nhất của họ. Việc đẩy đi những cầu thủ tốt nhất của mình không khác gì hành động “buông súng” của CLB khi cuộc chơi còn chưa kết thúc.

Hải Phòng là một ví dụ khác ngay cạnh Than Quảng Ninh, khi Lạch Tray từng là “chảo lửa” nhưng nhiều mùa giải trở lại đây trở nên nguội lạnh. Ông Chủ tịch đội bóng mải mê với các cuộc ganh đua ở VPF nên quên bẵng mất chăm chút cho sân nhà. V-League giữa mùa dịch vẫn có những câu chuyện đầy nghịch lý.

MỚI - NÓNG