Vòng loại Asian Cup 2011: Giấc mơ châu Á

Vòng loại Asian Cup 2011: Giấc mơ châu Á
TP - Khát vọng leo đỉnh Đông Nam Á đã qua, lúc này bóng đá Việt Nam mang hoài bão của giấc mơ châu Á. Chiến dịch chinh phục giấc mơ châu Á khởi động bằng 2 thử thách trước Lebanon (14/1) và Trung Quốc (21/1).
Vòng loại Asian Cup 2011: Giấc mơ châu Á ảnh 1
Nhiệm vụ của tuyển Việt Nam là giữ lửa, chắt chiu từng trận một

Đây là những thử thách không hề đơn giản với thầy trò Calisto khi men chiến thắng còn dư vị ngọt ngào.

Giữ lấy 1/3 giấc mơ

Có cả thảy 6 trận đấu cho thầy trò Calisto hiện thực hóa giấc mơ chinh phục vòng loại Asian Cup 2011. Lịch trình ấy còn kém 1 trận so với chuỗi trận tuyển Việt Nam làm nên thành công ở AFF Cup 2011 (7 trận), nhưng lại ẩn chứa nhiều bất trắc khó lường.

Nói gì đi nữa, khi chinh phục thành công AFF Cup 2008, hành trang của thầy trò Calisto có 11 trận đấu khởi động (dù không thắng) lẫn sự tường tận về các đối thủ trong khu vực. Điều ấy lý giải vì sao, ông Calisto rất kiên định trong cách cầm quân, bất chấp chuỗi khởi đầu trầy trật.

Thế nhưng, mặt trận châu Á thì hoàn toàn khác: đẳng cấp và trình độ khác, đặc biệt là sự khó lường. Dù tuyển Việt Nam mang tư cách hạt giống ở bảng đấu của mình, nhưng thực tế thầy trò Calisto là đội bóng có xếp hạng thấp nhất trong bảng xếp hạng FIFA (hạng 155). Sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế gây cho ông Calisto muôn trùng khó khăn trong cách bài quân, bố trận.

Ông Calisto cho rằng, Việt Nam là đội yếu nhất bảng, đứng sau cùng theo trình tự Trung Quốc, Syria, Lebanon và Việt Nam. Thế cửa dưới ấy buộc đội bóng của ông phải chắt chiu từng trận một, nhất là 2 trận khởi động chiến dịch vòng loại gặp Lebanon- đối thủ tương đối vừa sức- và Trung Quốc- đội bóng mà thầy trò Calisto xác định có đẳng cấp vượt trội.

Chắt chiu được những điểm số an toàn trong 2 trận khởi động này tức là tuyển Việt Nam đã giữ được 1/3 giấc mơ châu Á mà họ đang chinh phục.

Giữ lửa và... rón rén

Thật ra với nhìn nhận của ông Calisto, đối thủ cạnh tranh chính của tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2011 chính là Syria và Lebanon. Đơn giản vì Trung Quốc quá mạnh, và cách mà họ 9 lần liên tiếp góp mặt ở VCK Asian Cup (kèm 2 lần vào chung kết) đã thừa nhận sức mạnh của đội bóng này.

Có khoanh vùng đối thủ, bởi sau những thành công trước UAE, Oman, Qatar..., tuyển Việt Nam khá tự tin trước những đối thủ đến từ Tây Á. Tất nhiên không vì thế mà thầy trò Calisto được phép buông xuôi khi đối đầu với Trung Quốc. Giải pháp của ông Calisto là "tính từng trận một", bởi mỗi đối thủ đều có một khoảng cách về lý thuyết lẫn thực tế.

Cách binh đường của tuyển Việt Nam khá rón rén và du kích. Dẫu sao, đó là lựa chọn thực tế, bởi có thể tuyển Việt Nam là vô địch Đông Nam Á, nhưng bước ra châu lục thì khu vực ấy chỉ là "vùng trũng" của bóng đá thế giới. Thế nên không thể đòi hỏi tuyển Việt Nam chơi ào ào với tất cả đối thủ, vì cần phải lượng được khả năng thật sự của thầy trò Calisto.

Có một vấn đề lớn trong giấc mơ châu Á của thầy trò Calisto: chất lửa! Phải thành thực rằng, suốt trong chuỗi thời gian vừa qua, tuyển Việt Nam đã sống trong những ngày đẹp nhất, ngọt ngào nhất. Chính vì vậy, một sự ngộ nhận về khả năng, đẳng cấp hoàn toàn có thể xảy ra nếu thầy trò Calisto không giữ được sự tỉnh táo, bình tĩnh để đón nhận thách thức mới.

Giữ lửa và... rón rén, tuyển Việt Nam bước vào cuộc chinh phục giấc mơ châu Á bằng cả sự tự tin lẫn thách thức. Nhưng muốn nâng tầm đẳng cấp, trước tiên chúng ta phải biết và dám đặt giấc mơ chứ không thể tự ti về khả năng của chính mình!

MỚI - NÓNG