VPF sẽ chịu sự quản lý của VFF

VPF sẽ chịu sự quản lý của VFF
TP - Theo ông Viễn, Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN khi ra đời (Vietnam Professional Football-VPF) sẽ vẫn chịu sự quản lý, giám sát của VFF, như một thành viên. Việc thành lập VPF có thể coi như xã hội hóa bước hai trong quá trình lên chuyên của bóng đá VN.

Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn:

VPF sẽ chịu sự quản lý của VFF

> Biếm họa: Khi các ông bầu muốn "nuôi" V-League
> Những bất ổn trong lòng VPF

Trở về VN sau chuyến tham quan Nhật Bản, tìm hiểu kinh nghiệm quản lý J-League (giải VĐQG Nhật Bản), Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn đã được VFF giao nhiệm vụ trực tiếp đứng ra làm việc với các CLB về đề án thành lập VPF. Trả lời phỏng vấn của Tiền Phong sau buổi họp với “bầu” Kiên ngày hôm qua, ông Viễn cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã thống nhất được chủ trương việc thành lập VPF. VPF sẽ là một thành viên của LĐBĐVN (VFF), chịu sự quản lý của VFF, đứng ra thay mặt VFF chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu”.

Theo đề án ban đầu của các CLB, VFF sẽ tham gia VPF như một thành viên với cổ phần đóng góp 35,5%. Việc xác định chủ trương như trên, liệu có còn cần thiết đặt ra vấn đề VFF góp cổ phần vào VPF nữa không thưa ông?

Ban đầu việc các CLB đưa ra mức cổ phần 35,5% như trên là để VFF có tiếng nói mang tính pháp lý trong VPF, đề phòng đôi khi có những vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập VPF, chúng ta cần phải dựa trên điều kiện thực tế của VN để đưa ra phương án thích hợp. Cơ bản cần xác định VPF là thành viên của VFF, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL, quản lý, giám sát về chuyên môn của VFF và hoạt động theo luật doanh nghiệp. Thực ra trong lộ trình lên chuyên nghiệp thì theo yêu cầu của AFC, đến năm 2013 chúng ta cũng phải có BTC như trên. Đây là giai đoạn quá độ nên buộc phải như vậy. Chúng ta phải thẳng thắn với nhau là hiện tại, nhà nước đâu có bao cấp toàn bộ cho VFF được.

Ông có thể nói rõ hơn?

Tôi lấy ví dụ ở Nhật Bản, với mục tiêu vươn xa, mọi chi phí cho đào tạo, các ĐTQG đều do chính phủ của họ đáp ứng. Các khoản này cực lớn. Mình thì khác. Chỉ tính năm ngoái, để cho các đội tuyển trẻ đi thi đấu, VFF đã phải chi 10 tỷ đồng. Đây chỉ là mức tối thiểu, chứ chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cần thiết. Khoản tiền ấy lấy ở đâu ra? Trong khi nhà nước không lo toàn bộ. VFF buộc phải trông chờ vào các giải đấu, có khoản dư dôi ra để lo, chứ đâu có phải “đút túi” VFF. Báo chí thì cứ nói VFF thu được từng này từng kia, nhưng không có đóng góp của các CLB thì làm sao hoạt động. Dĩ nhiên sau này có điều kiện, mình sẽ giảm dần đóng góp, theo quy trình. Giờ mà làm ngay thì gay. Đối với các nước khác, và ở các môn khác cũng thế chứ không chỉ bóng đá. Ai tham gia thì phải đóng góp khoản phí để phục vụ công tác điều hành, tổ chức giải. Đây là thông lệ quốc tế rồi.

Trong trường hợp VPF được xác định như thành viên chịu sự quản lý của VFF, đâu là điểm khác biệt so với BTC giải trước kia thưa ông?

Dĩ nhiên có sự khác biệt. Đây có thể coi là xã hội hóa bước hai. Trước kia việc tổ chức, điều hành giải đấu do sự chỉ đạo một phía từ VFF. Bây giờ các hoạt động trên sẽ chịu sự giám sát, cả về chuyên môn, tài chính…của các CLB. Các CLB khi tham gia đã xác định được cái danh của mình, và đây là cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh của giải đấu. Ví dụ trước đây, HLV hay CLB có thể phê phán BTC giải. Ở các nước khác, người ta phạt rất nặng. Nhưng mình thì không làm được. Giờ khác, xã hội hóa thì cứ luật mà làm, người ta phải tuân thủ.

Như vậy thì đây chỉ có thể coi là một bước chuyển tiếp, và trong tương lai VPF sẽ tiếp tục có những thay đổi?

Đúng vậy! Mọi cái cần phải tiến hành tuân theo lộ trình, và cũng không thể áp dụng toàn bộ theo các nước được vì bản thân họ cũng có những điểm khác biệt riêng, không hoàn toàn giống nhau.

Bao giờ thì VPF sẽ được thành lập thưa ông?

Hiện tại mới thống nhất chủ trương, còn chi tiết cụ thể cần bàn tiếp. Sau khi trình lên Bộ VH-TT&DL, được thông qua thì sẽ đưa ra đại hội VFF. Có thể là vào cuối tháng 12 năm nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.