Vũ Thị Hương: Mơ có nhà riêng và làm sếp

Vũ Thị Hương: Mơ có nhà riêng và làm sếp
TP - Vũ Thị Hương - ngôi sao điền kinh, cô gái Vàng của thể thao Việt Nam 2009 đang có những ước mơ. Có những ước mơ phụ thuộc vào bản thân, cô quyết tâm thực hiện trong 2010. Nhưng có những ước mơ có thể chỉ mãi là mơ ước.
Vũ Thị Hương: Mơ có nhà riêng và làm sếp ảnh 1
Vũ Thị Hương trong vòng vây của các PV thể thao

Cuộc chiến trả nợ

Ngay sau khi kết thúc SEA Games 25, Vũ Thị Hương đã trở về trường ĐH Thể dục Thể thao (TDTT) Từ Sơn để tiếp tục theo đuổi chuyện học hành. Năm qua, Hương đã chinh chiến ở rất nhiều đấu trường khác nhau, nhưng chưa “sân chơi” nào khiến cô cảm thấy nhọc công và tốn sức như hiện tại.

Do bận thi đấu liên miên suốt cả năm 2009 nên chương trình học của Hương ở ĐH TDTT Từ Sơn bị đình lại rất nhiều và giờ cô đang phải “méo mặt” để lo trả nợ.

Hương đang là sinh viên năm thứ Nhất khoa Huấn luyện của ĐH TDTT Từ Sơn, nhưng với cái đà tập luyện và thi đấu liên tục như hiện nay, bản thân Hương cũng không biết bao giờ mới hoàn thành chương trình ĐH, dù cô thổ lộ sẽ kiên quyết làm bằng được nhiệm vụ này “để tích luỹ cho tương lai”.

Cũng may là Hương lựa chọn hình thức học theo tín chỉ, nên không bị bó buộc về thời gian mà chỉ cần đủ điểm các môn là đạt điều kiện để tốt nghiệp.

Là tuyển thủ quốc gia, thậm chí còn là VĐV số một quốc gia trong năm 2009, nhưng ở trường, Hương cũng chỉ là một sinh viên bình thường như bao bạn học đồng môn khác, và ưu tiên duy nhất mà cô có được chỉ là không phải nộp tiền học lại nếu như lỡ may không qua được một môn nào đó. Tuy nhiên, bản thân Hương cũng không hề thích thú với viễn cảnh sử dụng quyền ưu tiên này, bởi “nợ môn thì mệt lắm”.

Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ Hương “giương cờ trắng” với chuyện học hành. Không những thế, cô còn ấp ủ nguyện vọng sẽ học thêm Anh văn, vi tính để chuẩn bị cho mình một hành trang vào đời thật đầy đủ, nếu một mai này không còn tiếp tục thi đấu.

Hiện tại, Hương chưa xác định được mục tiêu mà mình muốn thực hiện sau khi giải nghệ, nhưng Hương tâm sự: “Dù sao thì vẫn phải học để chuẩn bị cho tương lai. Em thích làm HLV nhưng cũng thích làm sếp, dù không biết là làm sếp ở lĩnh vực gì, mà đã muốn làm sếp thì phải học nghiêm chỉnh”.

Mơ ước xa xôi

Nhiều người vẫn nói rằng để đổi lấy vinh quang trên đường chạy, Hương đã phải hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình, và thậm chí, một số người còn dùng những từ khá nặng nề để nói về cuộc sống riêng tư của Hương, nhưng sự thực không phải hoàn toàn như vậy.

Đúng là Hương đã phải hy sinh, phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi để cống hiến cho điền kinh, khổ nhất là việc suốt cả năm ròng tổng thời gian vợ chồng Hương được ở cạnh bên nhau chưa được nổi một tháng. Nhưng bù lại, điền kinh cũng đã cho Hương rất nhiều, mà chính Hương cũng phải nói: “Em hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình”.

Thế nhưng, không phải là Hương không có những ưu tư, trong đó điều khiến cô đau đáu nhất là đã thi đấu đỉnh cao nhiều năm, gặt hái nhiều chiến tích rực rỡ song cho tới nay vợ chồng cô vẫn cùng sống với gia đình nhà chồng, và mơ ước của cô là có một ngôi nhà riêng. Đây là điều không dễ vì “tiền mua nhà chung cư em còn chưa có đủ thì nói gì nhà riêng? Có lẽ mơ ước này vẫn mãi chỉ là mơ ước mà thôi”.

Hỏi tại sao không tìm kiếm nhà tài trợ, Hương cười buồn: “Có tài trợ thì chỉ những môn như bóng đá nam mới được quan tâm nhiều, chứ còn điền kinh thì khó lắm anh ơi”.

Vũ Thị Hương: Mơ có nhà riêng và làm sếp ảnh 2 Em không thích bị ép buộc và quan điểm của em như thế nào thì cứ nói thẳng, tất nhiên là không tới mức làm mất lòng người ta. Em sợ nhất là phải sống phụ thuộc, nịnh nọt và luồn cúi ai đó để đạt được mục đích!Vũ Thị Hương: Mơ có nhà riêng và làm sếp ảnh 3 

Vũ Thị Hương

Đúng là so với bóng đá, điền kinh còn chưa có được sự chú ý thích đáng của các nhà tài trợ. Khi ĐT nữ Việt Nam nhận được xấp xỉ 10 tỷ đồng tiền thưởng nhờ chiếc HCV SEA Games 25, và mỗi thành viên đá chính ước chừng sẽ có khoảng 400 tới 500 triệu đồng sau khi trừ thuế, thì Vũ Thị Hương với 2 HCV SEA Games (suýt nữa Hương mang về chiếc HCV thứ 3 ở cự ly 4x100m tiếp sức), 1 HCV Indoor Games, 2 HCB châu Á, lẽ ra cũng xứng đáng nhận được sự động viên như thế từ các nhà Mạnh Thường Quân. Cùng là phận nữ nhi và giọt mồ hôi đổ ra trên thao trường để có ngày vinh quang của Hương nào có kém ai.

Khát vọng vươn xa

Điểm nổi bật nhất ở Hương, bên cạnh tài năng thiên bẩm, là cá tính mạnh mẽ, và cũng nhờ cá tính này mà Hương trở thành VĐV hiếm hoi của Việt Nam có thể làm được điều mà chúng ta hay nói: “Chiến thắng chính mình”.

Nếu không có ý chí và nghị lực mạnh mẽ, chắc hẳn rằng Hương không thể nào thực hiện được bước tiến thần kỳ như mấy năm vừa qua, khi từ một VĐV chạy tốc độ hàng đầu khu vực, đã tiến lên trở thành một tên tuổi hàng đầu châu Á.

Tài năng, mạnh mẽ và tự tin, nhưng Hương không tự đặt mình vào vị trí cao hơn người khác. Khi kết quả cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2009 còn chưa được công bố, hỏi rằng có hy vọng và tin tưởng vào khả năng mình sẽ giành chiến thắng hay không, Hương cười rất tự tin: “Có chứ, vì em biết là em được rồi mà”.

Nhưng rồi ngay sau đó Hương cũng nói ngay: “Em nghĩ bất cứ VĐV nào có tên trong danh sách đề cử này cũng đều xứng đáng với vị trí cao nhất. Có thể em được chọn là bởi được mọi người ưu ái hơn một chút mà thôi”. Thế nhưng, Hương không hề về nhất chỉ với “một chút” ưu ái, bởi trên thực tế Hương đã xếp trên người về nhì là Nguyễn Hữu Việt tới 680 điểm, một khoảng cách lớn.

Cả Hương và Việt đều toả sáng lần đầu ở SEA Games 23 năm 2005, và ba kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, Hương và Việt đều giành HCV ở các nội dung thi đấu sở trường, nhưng nếu như Việt vẫn chưa vươn xa hơn được đấu trường khu vực thì Hương đã tiếp cận tới trình độ đỉnh cao của châu lục từ lâu, và năm 2008, thiếu chút nữa Hương đã tới Olympic Bắc Kinh bằng cửa chính nếu như thành tích 11”33 của cô ở giải vô địch điền kinh châu Á năm 2007 ở Amman (Jordan) được thừa nhận chính thức.

Mục tiêu lớn nhất của Vũ Thị Hương trong năm 2010 là cải thiện thành tích hiện tại và cố gắng giành huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á Asian Games 2010 diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Để hoàn thành chỉ tiêu này, Vũ Thị Hương cần phải vượt qua 2 thử thách có tên Khubbieva Guzel (Uzbekistan) và Jayasinghe Susanthika (Sri Lanka), ĐKVĐ và á quân cự ly 100m nữ tại Asian Games 2006.

Ở Asian Indoor Games 2009 và giải vô địch điền kinh châu Á năm 2009, Vũ Thị Hương đã hai lần đánh bại Khubbieva để giành HCV Indoor Games và HCB châu Á, nhưng Susanthika thì vắng mặt, và Vũ Thị Hương quyết tâm qua mặt  Susanthika trong năm 2010 này.

Một trong những hạn chế của Vũ Thị Hương là thường xuất phát không tốt nhưng cô đã bù lại bằng khả năng bứt phá tuyệt vời ở già nửa chặng đường cuối.

Tuy thế, trong năm 2009 vừa qua, Vũ Thị Hương đã cải thiện được đáng kể bước chạy xuất phát của mình, và đấy là lí do khiến Hương tự tin nói rằng cô còn có thể đạt được thành tích tốt hơn mức 11”30 (Hương giành HCV SEA Games 25 ở nội dung 100m nữ với thành tích 11”34, trong khi thành tích của HCV và HCB Asian Games 2006 là 11”27 và 11”34).

MỚI - NÓNG