Xin “giấy phép con” ở Trung tâm báo chí

Xin “giấy phép con” ở Trung tâm báo chí
TP - Để có thể vào Trung tâm báo chí (MPC) để làm việc, cánh phóng viên phải qua xác nhận dấu vân tay và có thẻ an ninh do BTC cấp, ngoài loại thẻ phóng viên thông thường như các kỳ SEA Games trước.

> U23 Việt Nam 'phấn đấu từng trận'
> Đoàn thể thao Việt Nam đã tới Myanmar

Binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar kiểm tra kỹ lưỡng mọi phương tiện vào các địa điểm thi đấu. ảnh: N.phong
Binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar kiểm tra kỹ lưỡng mọi phương tiện vào các địa điểm thi đấu. ảnh: N.phong.

Chưa kỳ Đại hội khu vực nào, công tác an ninh lại được thực hiện nghiêm ngặt như ở Myanamar, bởi thông thường, chỉ cần một tấm thẻ tác nghiệp do BTC cấp, phóng viên có thể vào mọi khu vực được phép.

Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, và cánh truyền thông khu vực cũng rất chia sẻ với BTC nước chủ nhà, dù việc phải làm thêm 1 “giấy phép con” ra vào khá nhiêu khê và mất thời gian. Chỉ tính trong năm nay, ở Myanmar đã diễn ra 4 vụ đánh bom, do các phần tử chống đối chính phủ thực hiện.

Chính phủ Myanmar đã tiến hành thương thuyết với các tổ chức phiến quân, nhưng ở nhiều khu vực, quân đối lập vẫn chưa hoàn toàn chịu từ bỏ vũ khí. SEA Games 27 trở thành mục tiêu nhạy cảm cho các đối tượng khủng bố nhằm vào. Công tác đảm bảo an ninh của nước chủ nhà, vì vậy càng đến gần ngày khai mạc càng được thắt chặt.

Thông tin từ BTC cho biết, Tiểu ban An ninh của SEA Games những ngày qua đã thực hiện diễn tập chống khủng bố và bạo động, với tất cả nguy cơ an ninh có thể xảy ra.

Để vào Trung tâm báo chí (MPC), cánh phóng viên được yêu cầu làm thêm 1 thẻ ra vào. Mất nguyên một buổi sáng cho việc chụp hình (đối với những người không mang theo ảnh), khai báo, chụp passport và chờ đợi, chúng tôi mới có được tấm thẻ nhỏ trên tay. Tất cả sau đó được yêu cầu xác nhận dấu vân tay trước khi thẻ được kích hoạt.

Một nữ nhân viên tại đây cho tôi biết, BTC phải làm như vậy vì đề phòng khủng bố ăn cắp thẻ của phóng viên, trà trộn vào trong để tấn công. Giải thích thế này thì buộc phải tuân thủ rồi!

Trước cửa MPC, BTC bố trí 2 trạm gác an ninh, cách nhau chừng 30m. Ở cửa ngoài, lính gác bồng súng luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Các anh lính gác mặt rất nghiêm trang, nhưng sau vài câu hỏi xã giao đều tỏ ra rất niềm nở, sẵn lòng cho khách chụp ảnh kỷ niệm chung.

Sau khi vượt qua cửa ngoài, ô tô và các loại phương tiện cơ giới tiếp tục phải qua chốt kiểm tra thứ hai. Ở đây, một cảnh sát sử dụng máy rà bom, mìn, rà kỹ lưỡng từng điểm nghi vấn. Qua 2 lần cửa này, xe ô tô mới được đi vào trong.

Phóng viên và các quan khách vào bằng cửa riêng, và cũng phải trải qua kiểm tra bằng máy từ dù trước đó đã được xác nhận thẻ và dấu vân tay ở cửa ngoài. Điều khiến mọi người vui vẻ chấp hành, là cảnh sát và các nhân viên của BTC luôn thực hiện nhiệm vụ với nét mặt cởi mở, lịch sự.

Kê khai, đăng ký làm thẻ từ 9h sáng nhưng quá 12h trưa chúng tôi mới có thể vào được tới MPC. Như vậy là may mắn, bởi nhiều người thậm chí còn phải chờ đợi lâu hơn.

Tại làng VĐV, công tác kiểm tra an ninh cũng được thực hiện chặt chẽ đúng quy trình trên. Chỉ quan khách và VĐV, các thành viên của đoàn thể thao các nước mới được phép vào làng VĐV. Tại đây BTC thiết lập hệ thống cổng từ, cảnh sát túc trực 24/24 giờ và sử dụng cả chó nghiệp vụ để đảm bảo an ninh. Mọi biểu hiện nghi vấn đều được lập tức bị đưa vào tầm ngắm.

Hôm qua, dù đã mở cửa được vài ngày nhưng MPC vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. Điều an ủi giới truyền thông khu vực là hệ thống đường truyền internet và wifi tại đây đã được cải thiện đáng kể. Tốc độ đường truyền nhanh và tương đối ổn định, thuận lợi cho việc tác nghiệp của phóng viên.

Một thành viên BTC tại đây khẳng định, đến ngày khai mạc SEA Games (11/12), trung tâm hoạt động với đầy đủ các chức năng cần thiết.

NGUYÊN PHONG
Từ Nay Pyi Taw

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.