Xứ rượu cũng mệt với bợm nhậu

Trong khu vực fanzone ở Lille
Trong khu vực fanzone ở Lille
TP - Lệnh cấm bán bia rượu và các đồ uống có cồn gần sân vận động, khu vực fanzone của xứ nổi tiếng thế giới với vang Bordeaux sau những vụ ẩu đả của CĐV Nga, Anh, Đức, Ukraine xem chừng không cản được mấy tay Hooligan.

Sau vụ loạn đả giữa các Hooligan Nga và Anh trên khán đài sân Velodrom hôm 11/6, chính phủ Pháp ngay trong ngày đã ban bố lệnh cấm bán bia rượu, đồ có cồn ở khu vực gần các sân vận động, fanzone. Biện pháp này nhằm hạn chế các tay bợm nhậu, thường cứ phải “tê tê” rồi mới chịu vào sân.

Cũng xui rủi cho BTC nước chủ nhà Pháp khi ở EURO năm nay, không chỉ Hooligan Anh mà CĐV nhiều nước khác bỗng trở nên hung hăng đến lạ. Trước trận Đức-Ukraine, chỉ vì hiềm khích, CĐV đôi bên đã lao vào nện nhau ra trò, báo hại lực lượng an ninh được một phen toát mồ hôi.

Mối lo khủng bố chưa qua, nạn Hooligan lại khiến nước chủ nhà “điên cả đầu”. Dăm đồng nghiệp nước ngoài nói với chúng tôi, phải ban bố lệnh cấm bia rượu là chẳng đặng đừng đối với Pháp, đất nước ngoài tháp Eiffel thì cũng nổi tiếng với những chai vang tuyệt hảo. Lý do bởi thực tế, bia rượu là món khoái khẩu của dân mê bóng đá. Gì chứ khi cổ động mà thiếu tí hơi cay ắt kém vui.

Theo tính toán, Pháp có thể thu khoảng hơn 1,2 tỉ euro nhờ EURO 2016. Con số này bao gồm 593 triệu euro khách nước ngoài chi tiêu khi đến các sân vận động, 195 triệu euro qua khu vực fanzone và 478 triệu euro từ UEFA chi cho Pháp để phục vụ công tác tổ chức. Nhìn qua có thể thấy, nước chủ nhà rất mong lượng ngoại tệ từ túi các du khách, CĐV.

Các quán bar, nhà hàng từ Paris, Lille đến Marseille cũng coi dịp này là cơ hội để làm ăn. “Để rối loạn như thế thì chính phủ phải hỏi trách nhiệm BTC và UEFA, làm gì cũng đừng cản chuyện làm ăn của chúng tôi”-ông chủ quán bar ở Lille lãnh đạm đẩy cho tôi 1 ly bia, tỏ ra không mấy quan tâm tới lệnh cấm Pháp vừa ban bố. 

Dĩ nhiên, có không ít người Pháp ở Marseille muốn càng nhanh càng tốt “tống khứ” mấy ông láng giềng Anh về nước, để tránh phiền phức. Cho đến hôm qua, báo chí Anh nhiều tờ còn chỉ trích mấy tay CĐV quá khích nhà, vì cái thói nhậu nhẹt say khướt, gây sự oánh nhau khắp nơi.

Lượn một vòng qua khu vực fanzone và sân vận động ở Lille hôm qua, khung cảnh ăn chơi của CĐV các nước vẫn rất thoải mái. Có vẻ như do không phải đón CĐV Anh nên tình hình ở Lille không căng thẳng như Lens, nơi sẽ diễn ra trận đấu sắp tới của Anh với sứ Wales. Chúng tôi được chia sẻ là ở Lens, chính quyền đã ban bố lệnh cấm đồ uống có cồn ở các khu vực nhạy cảm, theo yêu cầu của chính phủ Pháp.

Trong fanzone, người ta vẫn bán bình thường bia của một nhãn hàng độc quyền kinh doanh trong khu vực fanzone kỳ EURO này. Hôm diễn ra trận Anh-Nga, nhiều người thấy cô vợ xinh đẹp Rebekah của chân sút tuyển Anh, Jamies Vardy còn tươi tắn cầm ly bia khoe với chúng bạn trong khu vực fanzone, trước khi đầm đìa nước mắt vì lĩnh hơi cay từ cảnh sát do rơi vào đám đông Hooligan ẩu đả nhau.

Đại để, cấm thì vẫn cấm nhưng thật khó để ngăn được miệng mấy tay bợm nhậu. Mệnh lệnh của chính phủ Pháp cũng để mở cho từng địa phương được quyết định, trong khi không phải ở đâu cũng nhìn nhận vấn đề giống nhau. Mấy tay nhậu không cần biết bia rượu bán ở đâu, nhưng vào sân kiểu gì cũng đã có hơi men. Hết EURO, giới chức Pháp chắc cũng mệt phờ!

Theo Từ Lille
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".