Xuất ngoại để 'mài ghế dự bị'

Xuân Trường được đưa sang K-League thi đấu chủ yếu vì mục tiêu thương mại chứ không phải chuyên môn. Ảnh: Xuân Trường.
Xuân Trường được đưa sang K-League thi đấu chủ yếu vì mục tiêu thương mại chứ không phải chuyên môn. Ảnh: Xuân Trường.
TP - Chuyện gì xảy ra khi các ngôi sao Đông Nam Á được xuất ngoại chỉ vì mục đích phi chuyên môn?

Ngày 13/7 vừa qua, Xuân Trường đã có mặt tại TPHCM để hội quân cùng ĐT U22 Việt Nam, chuẩn bị cho vòng loại giải U23 châu Á năm 2018 và SEA Games 29 năm 2017. Tuy nhiên, ít ai biết để ĐT U22 Việt Nam có được sự xuất hiện của Xuân Trường, lãnh đạo VFF đã phải mất rất nhiều công sức vận động, bởi cầu thủ này đang thi đấu ở K-League cho CLB Gangwon FC, và theo luật FIFA thì Gangwon FC không có nghĩa vụ phải để Xuân Trường về nước tới gần 2 tháng để đá cho ĐT U22 Việt Nam.

Để đưa được Xuân Trường về nước, lãnh đạo VFF thậm chí đã phải nhờ cậy tới cả lãnh đạo LĐBĐ Hàn Quốc, và tất nhiên là cả lãnh đạo CLB Gangwon FC. Đọc đến đây thì ắt hẳn nhiều người sẽ cho rằng ở Gangwon FC Xuân Trường hiện có vai trò cực kỳ quan trọng, tới mức đội bóng Hàn Quốc này rất khó xử khi thiếu vắng tiền vệ này?

Câu trả lời lại là không, bởi Xuân Trường phải đợi đến tận tháng 7 này mới có trận đá chính đầu tiên cho Gangwon FC sau hơn nửa năm chuyển tới đầu quân cho CLB ở K-League, và trong 2 trận liên tiếp mà Xuân Trường được đá chính vào ngày 1/7 (CLB Daegu FC) và 9/7 (CLB Sangju Sangmu), Xuân Trường đều không để lại dấu ấn đậm nét và thậm chí còn có kịch bản Gangwon FC chỉ ghi được bàn thắng quyết định sau khi… Xuân Trường rời sân.

Đáng nói hơn nữa, tiền vệ Moon Chang-jin, người vào thay Xuân Trường ở cả 2 trận đấu nói trên, đều ghi bàn quyết định không lâu sau khi được tung vào sân từ ghế dự bị, và chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV trưởng Choi Yoon-kyum của Gangwon FC đã lên tiếng chê bai Xuân Trường sau trận gặp Sangju Sangmu hôm 9/7: “Xuân Trường đã có một số tình huống tỏ ra thiếu tập trung và còn mắc sai lầm. Vì thế, tôi quyết định rút cậu ấy ra và thay bằng Moon Chang-jin, người đã thể hiện được sức mạnh và kỹ năng tốt hơn.

Việc thay Xuân Trường ra sân khiến hàng thủ của Gangwon thi đấu ổn hơn và khi đó một tiền vệ trung tâm khác là Han Kook-young sẽ phát huy tốt hơn khả năng tấn công”. Thật ra đây không phải là chuyện quá ngạc nhiên, bởi dù đã thi đấu ở K-League tới mùa thứ 2, nhưng tính cả 2 trận đấu mới nhất với CLB Gangwon FC thì Xuân Trường mới chỉ có cả thảy 6 trận đấu được ra sân tại K-League, trong đó ở mùa giải năm ngoái, anh có 3 lần đá chính, một lần vào sân từ ghế dự bị khi còn thi đấu cho CLB Incheon United.

Điều đó cho thấy nếu xét về khía cạnh chuyên môn thuần tuý thì Xuân Trường vẫn chưa thể xác lập chỗ đứng chắc chắn tại CLB Gangwon FC, dù rằng anh là một trong những trụ cột của cả ĐTQG Việt Nam cũng như ĐT U22 Việt Nam. Nói thẳng ra thì sự có mặt của Xuân Trường ở CLB Gangwon FC chủ yếu mang ý nghĩa thương mại là chính, bởi Xuân Trường hiện là Đại sứ hình ảnh của tỉnh Gangwon, và việc Xuân Trường khoác áo CLB Gangwon FC chẳng qua chỉ là chuyện “bia kèm lạc” mà thôi.

Tuy nhiên, Xuân Trường không phải là ngôi sao bóng đá duy nhất từ Đông Nam Á phải chịu cảnh như vậy khi chuyển sang chơi bóng ở các giải VĐQG có trình độ cao hơn như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Năm ngoái, đồng đội của Xuân Trường ở ĐT U22 Việt Nam là Công Phượng cũng phải miệt mài đi phát tờ rơi cho CLB Mito Hollyhock ở J-League 2, trong khi thời gian ra sân chỉ tính bằng vài phút, nếu có vào sân cũng chỉ thi đấu cho có, còn phần lớn thời gian là ngồi ghế dự bị.

Theo thống kê, Công Phượng phải mất gần 5 tháng mới được vào sân thi đấu cho Mito Hollyhock. Tổng cộng, tiền đạo sinh năm 1995 này chỉ được thi đấu 5 trận với tổng thời gian 80 phút tại giải đấu số 2 Nhật Bản.

Một tài năng khác của bóng đá Việt Nam là Tuấn Anh cũng trải qua những ngày tháng đáng quên ở J-League 2, khi anh không được ra sân trong bất cứ trận đấu nào ở J-League 2 trong thời gian khoác áo CLB Yokohama FC, và đội bóng này chỉ để Tuấn Anh chơi 2 trận ở Cúp Hoàng đế, vốn là giải đấu kém cạnh hơn rất nhiều so với J-League 2. Kết quả là năm 2017 HAGL buộc phải đưa Công Phượng và Tuấn Anh trở về V-League thi đấu chứ không dám để cầu thủ của mình tiếp tục mài mòn băng ghế dự bị tại Mito Hollyhock cũng như Yokohama FC.

Năm nay, tới lượt một ngôi sao khác của bóng đá Đông Nam Á là Chan Vathanaka cũng được nếm mùi “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta” khi chuyển sang J-League 3 chơi bóng cho CLB Fujieda MYFC.

Chan Vathanaka là ngôi sao số một của bóng đá Campuchia, và 3 năm trở lại đây tiền đạo này đều khiến bóng đá Việt Nam mệt mỏi mỗi khi đối đầu với Campuchia cả ở cấp độ CLB cũng như ĐTQG, nhưng sau 4 tháng gia nhập CLB Fujieda MYFC, vị trí của Vathanaka vẫn chỉ là băng ghế dự bị, khiến cho người hâm mộ bóng đá Campuchia vô cùng lo lắng, và đích thân ông Be Makara, TGĐ CLB Boeung Ket là đội bóng chủ quản của Vathanaka, đã bay sang Nhật Bản để thảo luận về tương lai của Vathanaka, nhưng chân sút này vẫn quyết tâm trụ lại CLB Fujieda MYFC, dù rằng cái ngày Vathanaka được ra sân đá chính ở J-League 3 vẫn còn rất xa xôi, mịt mờ.

Từ câu chuyện của Công Phượng, Tuấn Anh trước đây hay Xuân Trường, Vathanaka bây giờ đủ thấy bóng đá Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách rất lớn so với tốp đầu khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc, và tình cảnh ngôi sao Đông Nam Á được xuất ngoại chỉ vì mục đích phi chuyên môn không biết khi nào mới chấm dứt.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.