'Xạ tán khứu' chữa viêm xoang

'Xạ tán khứu' chữa viêm xoang
TP - Ông Nguyễn Quang Giáp - chủ nhân đang sở hữu “Xạ tán khứu” chữa viêm xoang, viêm mũi dị ứng tiết lộ, bài thuốc được dịch ra từ tập “Tây Sơn Binh Y Thảo Dược lược” bằng chữ nho - cuốn sách quý của gia tộc ông.

“Xạ tán khứu” gia bảo

Tôi biết tới ông Nguyễn Quang Giáp rất tình cờ. Trong một lần đến nhà nghệ nhân gỗ lũa - đá cảnh Nguyễn Tiến Hùng (sinh năm 1971) ở khu Văn công Mai Dịch - Hà Nội, đang trò chuyện bỗng có một người quen ghé nhờ anh mua thuốc chữa viêm xoang. Hỏi ra mới biết, người anh con ông bác của nghệ nhân là người đang giữ bí quyết pha chế bài thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi chủ yếu bằng thảo dược rất hiệu nghiệm của gia tộc.

Ông Nguyễn Quang Giáp - chủ nhân đang sở hữu bài thuốc “Xạ tán khứu”. Ảnh: H.N.N
Ông Nguyễn Quang Giáp - chủ nhân đang sở hữu bài thuốc “Xạ tán khứu”.

Tìm đến nhà ông Nguyễn Quang Giáp (ở phòng 501A, Nhà D3, Tập thể Dịch Vọng, nằm gần cuối ngõ 233, phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), theo lời giới thiệu của nghệ nhân Nguyễn Tiến Hùng, tôi hơi bất ngờ, bởi nhà ông bán thuốc, nhưng không hề chưng biển hiệu, cũng không thấy thuốc bày ở đâu. Ông nói: “Từ rất lâu rồi, thuốc nhà tôi chỉ bán cho người quen. Người này biết, giới thiệu tới người kia”.

Ông Giáp mở ngăn dưới của chiếc tủ đặt giữa gian phòng lấy ra lọ thuốc màu đen tím, nói: “Anh thử ngửi rồi đánh giá thuốc của gia đình tôi có gì đặc biệt không?”. Tôi cầm lọ thuốc nước ngửi một lúc, trả lời: “Thuốc nhà bác có mùi rất thơm, ngửi vào có cảm giác thoải mái, càng ngửi càng thấy dễ chịu”. Ông cười vẻ hài lòng: “Đấy, đó chính là bí quyết bài thuốc này”.

Khác hẳn tâm trạng không mấy hào hứng “khoe” bài thuốc này, như lúc gặp ban đầu, ông Giáp dần cởi mở. Ông mở đầu: “Xuất xứ bài thuốc này có tên “Xạ tán khứu”. Trong tập “Tây Sơn Binh Y Thảo Dược lược” (gia bảo của dòng họ Nguyễn Quang) có bài thuốc này. “Xạ tán khứu” trong sách đã dẫn ghi rõ công dụng: Dùng để tẩy xú uế, khí hôi hám nơi mũi của cung tần mỹ nữ vào buổi tối thường xuyên để Hoàng đế nhập cung khỏi thấy dơ bẩn...”.

Nói sâu hơn về “Xạ tán khứu”, ông Giáp cho biết: “Thuốc chống được bụi bặm, viêm nhiễm nơi mũi khi thấy tuyến nhờn kéo lên nhiều. Chống viêm xoang, viêm mũi dị ứng do thời tiết, thường xuyên hắt hơi do mũi tiết quá nhiều tuyến nhờn. Chống khô mũi do viêm loét, bởi thường xuyên hít thở bụi bặm, thời tiết hanh khô. Làm lành vết viêm loét, và thông tắc tuyến nhờn hoạt động trở lại để phục hồi chức năng khứu giác của mũi. Chín vị, trong đó chủ yếu là thảo dược của bài thuốc có tác dụng dược lý và hoá dược khống chế lẫn nhau để điều hoà chữa trị cho chức năng hô hấp và khứu giác trở nên bình thường”.

Bài thuốc... từ cánh diều

Hỏi chuyện nguồn gốc “Xạ tán khứu”, ông Nguyễn Quang Giáp kể lại: Năm ông lên 11 tuổi, trong một lần chơi thả diều, một người bác phát hiện cánh diều hoàn toàn dán giấy từ một cuốn sách chữ nho. Người bác kêu lên ầm ĩ: “Tại sao sách quý lại đưa ra làm diều thế này?”. Bà nội của ông Giáp nghe chuyện gặng hỏi ông lấy giấy làm diều từ đâu ra. Ông Giáp khai thật, được người anh xé từ cuốn sách cất trên ban thờ. Người bác biết đó là cuốn sách quý nên đã thu hồi lại, và lúc này cuốn sách quý đã bị mất 1/3 số trang.

Ông Giáp nói, sẽ chẳng có gì để nói, nếu như không có chuyện ông đi bộ đội và bị báo tử nhầm. Năm 1973, ông tình nguyện đi bộ đội, mẹ ông ở nhà đã cho hết những gì gọi là đồ lưu niệm của ông cất kín trong một cái tráp. Tới một ngày, đơn vị báo về gia đình ông ở Hoài Đức (Hà Tây cũ) rằng ông đã hy sinh.

Thực ra hồi đó, ông và một số đồng đội trong một trận đánh bị thất lạc suốt một tuần, nên khi tìm được về đơn vị thì họ đã gửi báo tử về địa phương. Trở về đơn vị, nghe “tin dữ”, ông liền xin nghỉ phép về nhà gấp để báo tin gia đình mình vẫn còn sống. Ông về tới nhà, chứng kiến người mẹ sinh ra mình đã như một... người điên. Ban thờ thờ ông bên cạnh có cái tráp với rất nhiều kỷ vật của ông. Sau lần được “tế sống”, lục lại chiếc tráp trên ban thờ xuống, ông Giáp đã bắt gặp lại cuốn sách quý, mà một phần ba của nó đã bay theo cánh diều.

Ông Giáp giới thiệu cuốn sách ghi lại nguồn gốc nhiều bài thuốc quý của gia tộc. Ảnh: H.N.N
Ông Giáp giới thiệu cuốn sách ghi lại nguồn gốc nhiều bài thuốc quý của gia tộc. Ảnh: H.N.N .

Hoà bình, sau khoá học điện khí hoá ở Thái Nguyên, ông Giáp trở thành công nhân xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Ông kể, ngày đó tham gia làm hàng chục kilômét đường hầm công trình thuỷ điện, ông và đồng nghiệp lao động hăng say, không biết mệt mỏi. Thời gian sau ông nhận ra mình và nhiều người bên cạnh đều bị viêm mũi. Đêm về vắt trán suy nghĩ, ông tự kết luận, bụi công trường đã gây cho ông và nhiều người bị viêm mũi dị ứng. Lúc này ông sực nhớ tới bài thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi trong cuốn sách gia bảo họ tộc, đã được một người nhà dịch từ chữ nho sang chữ Quốc ngữ, hiện nằm trong chiếc tráp ông lưu giữ.

Ông bắt đầu nghiên cứu, tìm vị thuốc để pha chế. Với mong muốn ban đầu là chế thuốc chống bụi cho bản thân và đồng nghiệp. Ông kể, pha chế mẻ đầu tiên thành công, ông mang thuốc tặng cho nhiều đồng nghiệp là công nhân đang xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Những ai dùng loại thuốc ông chế này đều có biểu hiện tương tự, đó là cay xốc mũi, khiến nước mắt nước mũi chảy ra, và còn hắt xì hơi... Bụi bặm trong mũi đều được tống ra. Cảm giác sau đó ai cũng thấy dễ chịu, dễ thở.

Nổi danh nhờ loan tin mất cao lá độc

Sau thử nghiệm bài thuốc qua bạn bè, người thân thấy hiệu nghiệm, ông Nguyễn Quang Giáp bắt đầu nghĩ tới việc chế thuốc bán cho người dân. Đó là vào năm 1987. Bài thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi của ông dần dần được nhiều người dân dọc sông Đà mách tai nhau tìm đến mua.

Một câu chuyện thú vị, ông không ngờ mình trở nên nổi tiếng, đó là vào giữa năm 1988, mua được của người bạn 1kílôgam cao lá độc trên đường về nhà không may bị rơi mất. Trị giá số tiền mua cao hồi đó là 900 ngàn đồng, rất lớn. Xót xa, ông gửi tin mất của tới Đài Phát thanh địa phương, với nội dung «đánh rơi một kílôgam cao lá độc dùng để làm thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi, ai nhặt được thì cho xin lại, theo địa chỉ...».

Ông không nghĩ rằng, tin nhắn tìm lại của rơi đã vô tình «quảng bá» cho mình có bài thuốc quý chữa viêm mũi, viêm xoang. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh này sau đó đã đổ dồn đến nhà ông mua thuốc. Người mua đông, không có đủ nguyên liệu kịp chế biến, ông bắt đầu nghĩ tới việc mở xưởng, thuê người làm. Người ta đặt cho ông biệt hiệu «Giáp Cỏ» là vì ông có bài thuốc này từ đó.

Năm 1993, ông Giáp chuyển nhà về Hà Nội, không chế thuốc nhiều như trước. Nhưng nhiều người nghe tiếng ông từ hồi ông còn ở Hoà Bình vẫn hỏi dò địa chỉ ở thủ đô tìm đến ông cất thuốc. Ông cho biết, bài thuốc gia truyền của ông có 9 vị. Mỗi vị được chiết xuất, hoặc ngâm từ trước, người bệnh đến mua ông mới pha chín vị này với nhau, và để được trong thời gian sáu tháng.

Lọ thuốc chứa một trong 9 vị của bài thuốc “Xạ tán khứu”. Ảnh: H.N.N
Lọ thuốc chứa một trong 9 vị của bài thuốc “Xạ tán khứu”. Ảnh: H.N.N.

Ông Nguyễn Quang Giáp cho biết thêm, có một số bài thuốc trong tập «Tây Sơn Binh Y Thảo Dược lược» từ lâu được phổ biến rộng rãi trong gia tộc họ Nguyễn Quang của ông, với mục đích tự chữa bệnh cho nhau trong trường hợp nguy kịch, như chữa trị uốn ván chẳng hạn. Ông Giáp (sinh năm 1954) ngay từ khi xác định mở rộng bài thuốc chữa viêm xoang, viêm mũi bán rộng rãi tới người dân cũng đặt mục đích chữa bệnh giúp người cao hơn mục đích kinh doanh.

                                         Hoàng Nghĩa Nam
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG