Tổng công ty Điện lực Việt Nam điều chỉnh cách tính giá điện:

Phải chăng chỉ “đánh” vào túi tiền nhà giàu?

Phải chăng chỉ “đánh” vào túi tiền nhà giàu?
Ông Vũ Quốc Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán Bộ Công nghiệp trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.
Phải chăng chỉ “đánh” vào túi tiền nhà giàu? ảnh 1
Ông Vũ Quốc Anh

Thưa ông, việc thay đổi cách tính giá điện mới có phải nhằm tăng giá điện?

Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo giá điện bán cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, SXKD ở Việt Nam ngang bằng giá bán cho DN VN. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài tại VN được giảm 6% đến xấp xỉ 16% (tương đương 400 tỷ đồng). Cách điều chỉnh này cải thiện môi trường đầu tư của VN trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá.

Cơ chế tính giá này thế nào, thưa ông?

Với giá điện khu vực nông thôn, giá điện kinh doanh  hiện vẫn giữ nguyên. Còn với giá điện sinh hoạt thì thay đổi về cơ chế tính giá. Việc thay đổi đó làm tăng hay giảm giá điện còn tuỳ thuộc thực tế sử dụng của khách hàng mới kết luận được. Biểu giá điện theo cách tính mới gồm 3 mức: Mức 1, dành cho những hộ sử dụng 300 “số” trở xuống. Chúng tôi thống kê được có 92% số hộ sử dụng lượng điện ở mức này. Còn toàn bộ các hộ sử dụng điện ở khu vực nông thôn đang sử dụng theo cơ chế giá điện nông thôn không có thống kê, thì giá bán điện không thay đổi. 

 Mức 2 dành cho những hộ sử dụng trên 300 “số”. Tuy nhiên, trong mức thứ 2 này, chúng tôi cũng đưa thêm phương thức tính mới (tính theo giờ: giờ cao, thấp điểm và bình thường)-nghĩa là với hộ sử dụng trên 300 số thì có thể lựa chọn 2 hình thức sử dụng: 1-Dùng theo biểu giá bậc thang (lũy tiến). Theo hình thức này thì cách tính đã nói rõ trong quyết định mới của Chính phủ; 2- Dùng theo giờ cao, thấp điểm thì người dân sử dụng 1 “số” hay 1000 “số” đều  chung 1 mức giá. Giờ cao điểm là 18h-22h; giờ thấp điểm từ 22 giờ đến 5 giờ; giờ bình thường: 5h đến 18 giờ chiều.

Cơ chế tính giá điện theo giờ cao, thấp điểm có lợi cho người sử dụng và Nhà nước thế nào?

Khi người dân sử dụng điện theo giờ cao, thấp điểm sẽ có lợi cho chính họ và cho cả xã hội. Ví dụ, người dân dùng điện chạy điều hoà nhiệt độ vào giờ thấp điểm  chỉ phải chịu mức giá 750 đồng/kwh thì chính họ được lợi nhiều hơn so với sử dụng điện vào giờ cao điểm và cơ chế tăng giá điện lũy tiến. Nhà nước được lợi là: biểu đồ phụ tải của ngành điện được cân bằng, lợi về kỹ thuật, hệ thống và giảm tổn hao điện năng trong truyền tải điện. Ngành điện không phải sử dụng các loại nhiên liệu giá thành cao đẩy giá điện lên.

Vì sao không áp dụng cách tính lũy tiến với những hộ sử dụng trên 300 “số” với hệ số luỹ tiến cao hơn mà lại áp dụng cách tính giá cao với số điện từ 300 “số” trở lên?

Đúng là có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Có người nói tính thế vẫn còn thấp. Tôi phải nhắc lại là quan điểm của chúng tôi là bù giá phải bù đúng đối tượng. Các hộ sử dụng từ 300 “số” trở lên thường có thu nhập khá. Nếu vẫn duy trì mức trợ giá 100 “số” đầu thì mức trợ giá quá lớn. Chỉ duy trì mức trợ giá đó với người có thu nhập trung bình và thấp. Nếu người sử dụng thiết bị điện bình thường thì không thể vượt quá 300 “số”, còn những người sử dụng nhiều thiết bị “nặng” (điều hoà nhiệt độ, lò sưởi…) mới vượt quá 300 số. Bù giá cho đối tượng sử dụng hơn 300 “số” thì sẽ tạo áp lực tăng giá điện SX. Nếu thế, hàng hoá cũng giảm sức cạnh tranh. 

Nhưng nếu có mục tiêu điều tiết thu nhập thông qua giá điện thì sẽ trùng lặp với chính sách thuế thu nhập cá nhân đã được ban hành, thưa ông?

Thuế thu nhập cao điều tiết trực tiếp mức thu nhập. Còn những người sử dụng 300-400 “số” đều chỉ là mức giá mà Nhà nước không bù giá điện thôi. Trường hợp sử dụng 600-700 “số” mới áp dụng mức giá điều tiết.

Người sử dụng dùng 300 số trở lên muốn lắp công tơ tính giờ cao, thấp điểm thì mua ở đâu, có bị ép giá do lợi dụng cơ chế thay đổi này không?

Chúng tôi vừa có hướng dẫn về việc này. Cụ thể: những người sử dụng 300 số trở lên muốn dùng công tơ đo theo giờ thì ngành điện có trách nhiệm lắp đặt. Giá lắp đặt mỗi công tơ là 680.000 đồng/công tơ, hộ mua điện phải trả. Còn tiền mua công tơ (1 triệu đồng/ chiếc) thì ngành Điện phải chịu, theo quy định của Nhà nước.

Người tiêu dùng muốn tiết kiệm điện nhưng chưa thể theo dõi được tốc độ tăng của số điện ở chính công tơ của mình. Vậy Bộ CN có chỉ đạo gì về việc này?

Hiện đặt công tơ ở nơi người sử dụng có thể xem được là hơi khó. Tuy nhiên, trong Luật Điện lực quy định, công tơ phải được đặt trong phạm vi kiểm soát của người sử dụng điện (đến 1/7/2005 mới thực hiện). Để người tiêu dùng theo dõi được số điện, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Điện quy định rõ giờ, ngày kiểm tra, thông báo số điện cho dân. Nếu không thực hiện đúng do khách quan thì phải tính quy đổi phù hợp để đảm bảo cho người mua điện không bị thiệt thòi.

Ý kiến người tiêu dùng :

Chúng tôi đã phải trả 25.000 đồng cho 1 số điện!

Phải chăng chỉ “đánh” vào túi tiền nhà giàu? ảnh 2
Ngày 17/1/2005 gia đình tôi nhận được hóa đơn tiền điện, tính từ ngày 12/12/2004 đến 11/01/2005 với số điện đã sử dụng là 301 số.

Nhìn dãy số trên hóa đơn của Cty Điện lực Hà Nội, cụ thể: 301 số được tính như sau: 68 x 550  + 34 x 900 + 65 x 1.100 + 34 x1.210 + 100 x 1.340, chúng tôi không hiểu cách tính tiền điện mới nên đã gọi điện hỏi số điện trực của Cty (6225557) và được giải thích: Gia đình được hưởng 2/3 số điện theo cách tính giá cũ và 1/3 phải tính theo giá điện mới. Từ 300 số trở xuống vẫn được tính theo giá cũ  nhưng từ 301 số trở lên sẽ bị tính theo giá mới. Và được đề nghị nếu muốn biết rõ hơn phải gọi điện đến một số điện thoại khác của Cty vào giờ hành chính.

Theo như giải thích của anh cán bộ nọ thì gia đình tôi với cách tính mới đã phải trả cho 1 số điện vượt định mức là 25.000 đồng. Đó là đã được hưởng “ưu đãi” 2/3 số điện của cách tính cũ nếu không chúng tôi sẽ phải trả bao nhiêu cho 1 số điện vượt định mức kia? Căn cứ nào để ngành điện xác định số điện trong 10 ngày tháng 1/2005 để tính theo giá mới?  Liệu trong 10 ngày đầu tháng 1 chúng tôi đã dùng vượt quá định mức  để phải tính theo giá mới? Còn bao nhiêu gia đình sẽ phải chịu mức giá điện như vậy?

Tôi không thể hiểu được cách tính của ngành điện

Ba trăm chín bảy ngàn năm trăm sáu hai đồng (397 562) là số tiền điện mà chủ hộ S.M (Tổ 19, Yên Hòa) phải nộp kể từ ngày 7/12 đến 6/1/2005. Tháng vừa qua anh đã dùng hết 341 số điện. Cầm tờ hóa đơn tiền điện trên tay, anh tỏ ra bức xúc “Tôi không thể nào hiểu nổi tờ hóa đơn này, có 24 ngày của tháng 12/2004 và 6 ngày của tháng 1/2005, nhưng tôi vẫn phải chịu mức vượt ngưỡng 1400 đồng cho 41 số điện vượt ngưỡng.

Được biết, số điện sử dụng và số tiền phải nộp được áp dụng theo tỷ lệ 24 ngày của khung giá cũ và 6 ngày của khung giá mới. Như vậy, lẽ ra 41 số điện đó tôi phải được tính theo mức giá khởi điểm 1100đ/số cho 200 số đầu như cách tính mới. Có thể với mình tôi số tiền không đáng là bao, nhưng với số đông thì đó là một con số đáng kể”. Anh nói thêm: “Tôi chỉ biết nộp tiền thôi, chứ không thực sự hiểu cách tính của tờ hóa đơn đó. Đã không có một sự giải thích rõ ràng từ ngành điện, đó cũng là điều mà chúng tôi mong đợi”.          

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.