“Cú đá” trên đường đời

“Cú đá” trên đường đời
Hải  vẫn còn nhớ như in ngày ấy. Cái ngày mà anh đã lần thứ 3  thi trượt đại học và tìm đến Tuân, người bạn thân cùng làng  hơn anh  một tuổi đã tốt nghiệp đại học đang làm trưởng phòng kinh doanh một công ty lớn.

Từ làng quê, đi từ sáng sớm đến trưa  mới tới chỗ Tuân, vừa mệt, vừa đói, vừa hi vọng… Vậy mà khi anh đặt vấn đề nhờ Tuân cho vay thêm tiền để ôn thi đại học thì Tuân từ chối thẳng thừng. Tuân bảo tiền thì có nhưng không thể đầu tư vào những chỗ “vô bổ”. Muốn có tiền thì phải nghĩ cách gì có thể tự làm ra tiền chứ đừng đi vay. Rồi Tuân cáo bận, đưa cho Hải hai chục ngàn gọi là “lộ phí” và “ăn trưa”. Tự dưng cốc trà chanh bỗng đắng ngắt, Hải giận dữ gạt tay Tuân bỏ về, lòng đầy nỗi oán hận người bạn vong ơn bội nghĩa.

Về làng, Hải như người chết đuối vớ được cọc khi Toán, người bạn xã bên sang rủ anh thi vào trường Trung cấp Kỹ thuật. Hải không thích học trung cấp. Nhưng nghe Toán bảo đi học trường ở gần nhà, đỡ tốn kém. Vả lại, nếu thiếu thốn thì mỗi tháng Toán sẽ cho Hải vay 400.000 đồng…, Hải đành lựa chọn trường trung cấp.

Tốt nghiệp xuất sắc, Hải được cử đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, thu nhập khá cao. Bữa nay về nước, anh đến tìm Toán để trả nợ và cũng là để trả ơn. Họ hẹn nhau tại một quán cà phê. Hải vừa đến thì đã thấy Toán và Tuân chờ sẵn. Nhìn thấy Tuân, nỗi uất hận lại nổi lại trào lên. Anh bực tức bỏ về ngay. Nhưng Toán giữ tay Hải lại:

- Cậu phải trả ơn chính Tuân đây này. Chính cậu ấy đã tài trợ cho cậu học suốt mấy năm…

- Tớ biết cậu sức học chưa toàn diện, hoàn cảnh lại khó khăn, khó theo đuổi đại học nhưng lại có tố chất rất hợp trung cấp kỹ thuật nên đã hướng cho cậu theo ngành đó. Nhưng tính bảo thủ, khuyên mãi không nghe nên mới bày ra trò khích tướng vậy – Tuân tiếp lời.

Toán “kết luận”.

- Trên đường đời, nhiều khi một “cú đá đít” còn có giá trị hơn hàng vạn lời khích lệ, đúng không?

Nghe đến đây, cả ba bất giác cùng cười vang, mọi hiểu lầm tan biến.

MỚI - NÓNG