Đồi Vọng Cảnh cần một ứng xử văn hóa

Đồi Vọng Cảnh cần một ứng xử văn hóa
Vừa rồi, báo chí râm ran về chuyện một khách sạn 5 sao sắp  ngự trị trên  đồi Vọng Cảnh ở Huế, một ngọn đồi đã đi vào lịch sử, văn hoá Huế, đi vào thi ca hoạ nhạc vì cái vị thế độc đáo của nó.

Thì cũng vì có cái vị thế tuyệt vời ấy mới có chuyện khách sạn bốn năm sao mon men gạ gẫm tìm đến đồi Vọng Cảnh, mà nghe đâu cuộc gạ gẫm ấy lại sắp thành! Chẳng lẽ người ta lại định chung lưng mở một ngôi hàng tại đây sao?

Cảnh sắc Huế, thiên nhiên Huế nghiêm khắc đòi hỏi một cách ứng xử có văn hóa với mình. Nói “ứng xử có văn hoá” là vì tôi nhớ đến một thẩm định của Hoàng Phủ Ngọc Tường về chính cái “văn hóa” đó: “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó, thực quan trọng trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế”. Bởi vì thiên nhiên bao giờ cũng biểu hiện một cách nhất quán giữa cái hằng cửu và cái biến dịch, giữa cái biến động và cái tĩnh tại. Hình như khi xây dựng nên đô thị của mình, người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và người La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hoá (tôi tô đậm-TL) để có thể tham dự một cách hài hoà vào cuộc sống của con người….” [HPNT”Hoa trái quanh tôi”].

Phải với cái tầm văn hoá ấy mới thấu hiểu được một ứng xử có văn hoá với Huế như cách mà UNESCO đã làm. Mà làm được như vậy vì họ đích thị là người có văn hoá. Họ hiểu được chiều sâu, bề dày của văn hoá Huế như cách  Amadu Mata M’Bâu, nguyên Tổng Thư ký UNESCO hiểu: “…những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và đầm Cầu Hai, và chính như thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó, mỗi yếu tố đều bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi, Huế là một nghệ thuật cộng thêm vào tạo vật như một vẻ đẹp bổ sung…

Chính vì vậy mà công luận phản ứng dữ dội trước nguy cơ phá vỡ cảnh quan đặc thù của đồi Vọng Cảnh. Vì rồi cho dù là năm sao đi nữa, cái thứ bê tông cốt sắt định án ngữ nơi đây sẽ làm hỏng cái cảm quan mà những kẻ cận thị không sao có thể nhận ra rằng: “từ đó, người ta luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ toả lan khắp cả một vùng thượng lưu “bốn bề núi phủ mây phong-mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lý, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà…”.[HPNT “Ai đã đặt tên cho dòng sông”]

Cho nên, vấn đề không phải là nên xây cái gì ở đây, cũng không phải là xây như thế nào, mà là hãy biết trân trọng “vẻ đẹp trầm mặc nhất” của con sông mà vừa rồi người ta đã có quyết định cho làm bổ sung hồ sơ để công nhận di sản văn hoá của nhân loại.

Vẻ đẹp trầm mặc ấy chỉ có được khi đặt phần thượng nguồn sông Hương vào trong tổng thể của “một không gian rộng lớn… được dành riêng cho sông Hương yên tâm trôi chảy” như cách nghĩ của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, một người Huế đã dồn bao tâm huyết và trí tuệ cho đồ án “Quy hoạch tôn tạo cảnh quan hai bờ sông Hương”. Theo anh, “...chính dòng sông thơ mộng này, với tiết tấu chậm, buồn, cả trong nhịp chảy, và quần thể thiên nhiên như chiếc nôi sinh tồn xanh biếc, đã quyết định mọi biểu hiện tinh tế nhất, xác lập một sắc thái văn hoá được gọi là văn hoá Phú Xuân. Một sắc thái văn hoá thiên về những suy tư giàu chất tâm linh….Một không gian rộng lớn, từ thượng nguồn, được dành riêng cho sông Hương yên tâm trôi chảy giữa hai bờ suy tưởng, tinh khôi như thủa đất trời mới lập. Để điểm xuyết, người Huế chỉ nhấn nhá nơi đây những công trình khiêm tốn, cho nhu cầu nghiền ngẫm , suy tư…

Một ngôi chùa cùng ngọn tháp lặng lẽ ngả bóng trong lòng con nước, khi chiều xuống, trăng lên, thả vào mênh mông âm vang chao lượn tiếng chuông chùa. Một điện thờ xinh xắn, cheo leo nơi ghềnh đá, đêm lễ hội, thả đèn hoa cho dòng sông thêm chênh vênh, chậm rãi xuôi về giữa hai bờ hư thực. Chỉ thế thôi. Còn lại là giang sơn của lăng tẩm trầm mặc dưới thông xanh. …Thượng nguồn sông Hương là không gian tĩnh lặng, giàu tính “Đạo”. Từ Huế xuôi về, giữa hai bờ phù sa châu thổ, sông Hương dâng hiến cho “Đời”, cho cuộc sống thường nhật của cư dân”. [NTH, ”Cảm nhận Huế”, Tạp chí Sông Hương”].

Nhân nhắc đến tiếng chuông chùa ở Huế, một nét Huế không pha lẫn vào đâu được, “thả vào mênh mông âm vang chao lượn tiếng chuông chùa” tôi nhớ đến một lời bình cũng của một người Huế, Giáo sư  Cao Huy Thuần , để hiểu thêm về cái nét Huế ấy (đương nhiên là hiểu theo cách của tôi).

Nhân được mời về thỉnh giảng tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế “cốt là để đối chiếu văn hoá của Tây phương với tư tưởng Phật giáo”*, GS Cao Huy Thuần cho rằng: “Tây phương phải tốn hai mươi thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy những vấn đề nằm trong căn bản của tư tưởng Phật giáo…” Theo ông, “Tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, với chúng sinh[…], tưởng Phật giáo là tuyệt đỉnh.”* Ông kết thúc cuộc trình giảng bằng một ý: “Vẫn một câu thôi, nhưng tôi cho là vĩ đại”: Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây” (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.225) +. Luật của cây cối là: xuân sanh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn. Xuân sanh : hãy nhìn một lộc non vừa nhú lên trong mùa xuân, bao nhiêu là hạnh phúc, bao nhiêu là sức sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy.”*

Được nâng cao đến mức ấy” tự bao giờ ? Xin thưa: từ cách đây gần 900 năm, non một thiên niên kỷ!  Tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, đó là nét văn hoá Phật giáo và cũng là nét văn hoá Huế rất nổi bật. Dư luận phẫn nộ với chuyện người ta định đưa khách sạn 5 sao lên đồi Vọng Cảnh vì đó là sự phẫn nộ của văn hoá Huế!

Sẽ có tội với văn hoá, với lịch sử nếu chúng ta không biết gìn giữ, tôn tạo và làm đẹp giàu thêm vốn quý vô giá của cảnh quan Huế, văn hoá Huế trong triết lý “tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên” ấy mà lại hoặc vô tâm hoặc dụng ý làm tổn thương vốn quý vô giá ấy do sự thiếu hiểu biết hoặc do những mục đích thiển cận, hoặc do bất cứ nguyên nhân nào.

Để ngăn chặn bớt sự tổn thương đó, phải chăng đã đến lúc cần nhắc đến cái triết lý tiềm ẩn trong tâm thức của văn hoá Huế mà nhiều người suy ngẫm, đó là chữ “Hòa”, nét đặc trưng cho tính cách phương Đông trong lối sống và văn hoá Việt Nam,  càng rất đậm nét trong văn hoá Huế.

“Hoà” trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hoà trong chính mình. Triết lý hướng về chữ “hòa” trong cung cách ứng xử tạo nên một nếp tư duy thiên về tổng hợp, kết hợp hơn là phân tích, chia cắt, thiên về liên tục hơn là gián đoạn, thiên về tinh thần hơn là vật chất… Sẽ là không đúng chỗ nếu luận sâu vào chỗ mạn, chỗ yếu của triết lý ấy khi mà người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến nét đặc trưng cần đặc biệt lưu ý để giữ gìn và tôn tạo cảnh quan Huế, văn hoá Huế trong thời buổi hội nhập này. Cần nghiên cứu, phân tích để tìm ra nét đặc trưng rất riêng biệt và độc đáo của cái bản sắc văn hoá đang được nói đến nhiều trong thời buổi của hội nhập.

Chí ít cũng để có được sự nhạy cảm mà lo âu cho cái văn hóa “hiện đại” chưa kịp thanh lọc qua một sự tiếp biến văn hoá cần thiết, nhằm gạt bỏ đi những rác rưởi được ăn sống nuốt tươi chưa kịp tiêu hóa, vội vã phơi bày những thị hiếu kiểu trọc phú học làm sang, đang xúc phạm đến vẻ đẹp hài hoà của thiên nhiên và cuộc sống của con người, trong đó có thiên  nhiên và con người Huế.

Cao Huy Thuần. “Thượng đế, thiên nhiên, người, tôi & ta. Triết lý luật & tư tưởng Phật giáo” Trung tâm Khuông Việt xuất bản 1999, tr.3, tr.109, tr.110 và tr.145. Tác giả là giáo sư  Đại học Amien (Pháp) và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sự hình thành Âu châu của Đại học đó.

+  Trong “Đại Việt sử ký toàn thư” (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998) câu này được in  ở tập I, trang 294, dòng thứ 15 (trên xuống), được dịch như sau: “Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”.

MỚI - NÓNG