Đâu là tình thương?

Đâu là tình thương?
Sau khi đọc xong bài  Cô giáo cho học sinh đánh học sinh đăng trên báo Tiền Phong số ra ngày 6/1 chỉ vì học sinh tẩy sửa sổ đầu bài đã sử dụng roi mơ làm công cụ trừng phạt, tôi thật sự bất bình.

Đây là một chuyện đáng buồn cho ngành giáo dục. Báo chí đã từng phản ánh việc giáo viên phạt học sinh rất nhiều qua nhiều cách khác nhau. Việc giáo viên tát vào mặt học sinh đã là một sự xúc phạm huống chi là hình phạt bằng 200 roi mơ lên cơ thể các em thì thật tàn nhẫn.

Trong văn học có câu nói: “Văn học là nhân học”, dạy văn là dạy đạo làm người. Thử hỏi việc trừng phạt học sinh bằng 200 roi mơ như vậy thì đâu là nhân học? Đâu là chủ nghĩa nhân đạo? Đâu là tình thương của con người?

Sự việc này cũng không thể biện hộ bằng sự  nhất thời nóng nảy được bởi đây là hành vi không thể chấp nhận được với lương tâm nghề giáo. Làm sao có thể dạy “chủ nghĩa nhân đạo” khi bản thân cô không có tình nhân đạo và lòng vị tha tối thiểu của con người.

Lâu nay chúng ta vẫn nói chất lượng học văn của học sinh ngày càng giảm sút đáng báo động. Qua sự việc này tôi cũng nhận ra rằng: với một giáo viên dạy Văn mà như vậy thì liệu học sinh có còn hứng thú khi học văn không? Khi mà bản thân người giáo viên chưa hoàn thiện phẩm chất, chưa  là tấm gương sáng cho các em thì làm sao có thể truyền đạt được kiến thức đó cho học sinh?

Có lẽ đây chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ song sức ảnh hưởng lại vô cùng lớn. Bởi lẽ trong đoàn tàu chỉ cần đầu tàu đi lệch đường ray thì cả đoàn tàu đó cũng vậy.

Vẫn biết chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, trường hợp trên chỉ là một cái gai nhỏ cần nhổ đi, song đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho mỗi giáo viên cần hoàn thiện mình trước khi đứng trên bục giảng để xứng đáng  với trách nhiệm cao quý này.  

MỚI - NÓNG