Năm 2005:

Nhà đất Hà Nội có còn “ế ẩm” ?

Nhà đất Hà Nội có còn “ế ẩm” ?
Hơn 3000 tỷ đồng là số tiền đem lại cho Hà Nội từ đấu giá quyền sử dụng đất trong 2 năm qua. Một thị trường  bất động sản lành mạnh theo đó cũng dần thành hình. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án đấu giá QSDĐ tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thất bại.

Đất đem đấu giá không “đắt”

Trong hai năm qua, Hà Nội đã  thu hồi và giao  hơn 162 ha để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho đấu giá. 15 dự án tại 9 quận, huyện đã thực hiện đấu giá QSDĐ với tổng diện tích 39,4 ha, thu 3181 tỷ đồng cho ngân sách. Đó là kết quả không thể phủ nhận được mà Hà Nội đã gặt hái được. Nhưng gần đây, tại nhiều quận huyện, có không ít dự án đấu giá đất đã thất bại, không hiệu quả.

Ví dụ điển hình nhất là huyện Sóc Sơn. Dự án tại xã Phù Linh, thị trấn Sóc Sơn, có tổng diện tích đấu giá là 11 ha, UBND huyện đã tổ chức được 1 phiên đấu giá vào ngày 3/7/2004 nhưng từ đó đến nay liên tiếp 2 đợt Ban quản lý dự án huyện mời thầu mà không tổ chức được vì không đủ số lượng người tham gia theo quy định (chỉ có 16 người đăng ký tham gia 16 thửa/tổng số 17 thửa).

Đại diện lãnh đạo huyện cho biết: “Chúng tôi đã cho kéo dài thời gian đăng ký, thậm chí đã xin UBND TP giảm giá đất nhưng số người tham gia vẫn rất thấp, dù đây là khu đất có vị trí đẹp nhất của Sóc Sơn”. Nhiều quận, huyện khác cho biết, lượng người mua hồ sơ tham gia đấu giá giảm mạnh.

Ngoài một số người dân có nhu cầu, hầu như không có doanh nghiệp nào tham gia. Mỗi phiên đấu giá, số người tham gia chỉ đạt khoảng 30% so với con số dự đoán của Ban quản lý. Trước tình hình này, các quận, huyện có diện tích đất đấu giá lớn như Long Biên, Thanh Trì đều tỏ ra dè dặt: “Phải tổ chức trước từ 1 đến 2 phiên đấu giá rồi mới tính đến chuyện có làm tiếp hay không. Vì số lượng người đăng ký  đấu giá quá thấp thì không thể thực hiện được”.

Đông Anh là huyện đầu tiên thực hiện thí điểm đấu giá đất từ 3,4 năm trước nhưng nay các dự án cũng đang chững lại. Ông Tô Xuân Minh, Chủ tịch huyện cho biết: Năm 2005, việc thực hiện đấu giá đất sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì Đông Anh xa trung tâm, hạ tầng không tốt.

Đấy là những nơi không thuận lợi, nhưng Bát Tràng(Gia Lâm)-một địa điểm khá tốt thì dự án 18 ha cũng lình xình, hơn một năm mà chưa thực hiện được. Tình trạng khó khăn trong  đấu giá đất đã xảy ra ở hầu hết các quận huyện. Lý giải điều này, ông Lê Quý Đôn cho rằng: Thị trường bất động sản chững lại ít nhất trong 6 tháng đầu năm, hiện “cung-cầu” vẫn đang đợi nhau. Người bán và người mua đều dè dặt, chờ đợi...

Thị trường nhà đất ấm dần vào cuối năm ?

Hầu hết các dự án trước khi đưa ra đấu giá đều chưa có sự chuẩn bị tốt, hạ tầng thấp kém, không hấp dẫn. Với các dự án này, nếu đưa ra đấu giá  thì hiệu quả rất thấp. Chẳng hạn, dự án khu nhà ở Việt Hưng chỉ đấu giá được 9,3 triệu/m2 (giá sàn đưa ra đã là 9 triệu/m2).

Nhưng nếu trúng giá cao, nhiều đơn vị sẽ xin điều chỉnh dự án hoặc thực hiện sai quy hoạch để thu được lợi hơn. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các đơn vị trong thực hiện các dự án còn chậm. Ông Đào Ngọc Nghiêm-Giám đốc Sở QH-KT nói: “Quy hoạch, thẩm định, thực hiện  không chậm. Chậm nhất là các đơn vị tư vấn”.

Theo ông Nghiêm, Hà Nội  có quá nhiều đơn vị tư vấn yếu kém. Cần phải có quy định cụ thể về hành nghề tư vấn! Ông Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì lại cho rằng, thủ tục đấu giá vẫn còn rườm rà. Cần khống chế thời gian duyệt quy hoạch và nên giao cho quận huyện được thẩm định thiết kế san nền sơ bộ trước khi đấu giá.

Ông Lê Quý Đôn cũng thừa nhận: Vẫn còn một số “mắc mớ’ về thủ tục cần tháo gỡ. Có nơi còn thực hiện chưa đúng, làm cho người có nhu cầu  thực sự không mua được đất. Nhằm thúc đẩy thị trường đất đai phát triển và làm cho các phiên đấu giá đất sôi động trở lại, Ông Ngô Văn Quý-Phó giám đốc sở KH-ĐT đề xuất: Cần chọn những khu vực thích hợp để đấu giá, hơn nữa cần có những kênh thông tin riêng để mọi người dân được biết. Nếu xảy ra tình trạng chậm tiến độ thì phải  làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành.

Mục tiêu trong  năm 2005, Hà Nội sẽ thực hiện đấu giá khoảng 50-70 ha đất, thu  về cho ngân sách 2500 tỷ đồng. Để thực hiện điều này, Hà Nội đưa ra nhiều biện pháp cụ thể như: Xây dựng tốt cơ sở hạ tầng trước khi đấu giá (không thực hiện song song như trước); giao đất ngay sau khi đấu giá;  đấu giá từng phần nhỏ là chủ yếu.

Về cơ chế chính sách, ông Đôn nói: Sẽ tiếp tục cải cách thủ tục, thực hiện phân cấp, quản lý chặt chẽ các dự án và sẽ làm quyết liệt vấn đề này. UBND TP giao sở KH-ĐT soạn thảo Quy định chính thức về đấu giá QSDĐ (dự kiến vào tháng 3/2005).

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hình thành các kênh thông tin về đấu giá đất, tạo điều kiện cho việc thực hiện công khai, minh bạch. Chẳng biết những giải pháp nêu trên có đủ sức hâm nóng thị trường nhà đất Thủ đô vốn đang đóng băng hay không? Tuy nhiên, ông Đôn dự báo, đến nửa cuối năm 2005 thị trường nhà đất Hà Nội mới có thể trở lại bình thường.

MỚI - NÓNG