Văn hóa Nhật ra toàn cầu

Văn hóa Nhật ra toàn cầu
Vào thời điểm đất nước 127 triệu dân này đang mất đi vị thế siêu cường kinh tế toàn cầu và sự tự tin của người Nhật bị hao mòn vì suy thoái kinh tế 13 năm qua, họ đang tái khám phá chính mình như một cường quốc văn hóa.

Trong không khí “nóng bỏng” của Shibuya, khu vực tập trung nhiều thanh niên ăn mặc mốt nhất Tokyo, những bộ phim video ca nhạc của các ngôi sao nhạc pop Nhật đứng đầu các bảng xếp hạng châu Á được phát rầm rộ trên các màn hình tinh thể lỏng.

Cổng vào siêu thị Mandarake, người nước ngoài chen lấn người trong nước mua những hình mẫu bằng chất dẻo dùng để làm phim hoạt họa anime của Nhật và các văn hóa phẩm khác như truyện tranh, các nhân vật hành động, poster và CD...

Một loạt các kiến trúc sư Nhật thành danh thế giới đã khiến cho Nhật nổi lên như một thế lực mới trong ngành này. Chẳng hạn, Shigeru Ban gần đây giành quyền thiết kế Trung tâm Pompidou mới ở Pháp. Tadao, người giành giải thưởng Pritzker và Huy chương vàng của Viện Kiến trúc Mỹ, thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Fort Worth.

Nhà thiết kế của hãng Louis Vuitton Marc Jacobs đã nhờ Takashi Murakami, một nhà thiết kế Nhật, thiết kế một loạt các xách tay bán chạy nhất của hãng vào năm ngoái. Rei Kawakubo, người thành lập hãng Comme des Garcon và các nhà thời trang Issey Miyake và Yohji Yamamoto đứng đầu ngành thời trang thế giới nhiều năm.

Văn hóa Nhật ra toàn cầu ảnh 1

Trong khi đó, sushi đã trở thành “hàng độc” như Big Mac. Tạp chí Veja của Brazil trong tháng qua cho biết hiện ở Sao Paulo - thành phố lớn nhất Nam Mỹ - có nhiều nhà hàng sushi hơn nhà hàng có món cừu nướng truyền thống của Brazil. Bình quân mỗi phút người dân thành phố này tiêu thụ 278 cuốn sushi. Tại Paris, theo tùy viên văn hóa Pháp tại Tokyo, các nhà hàng sushi đã lấp đầy đại lộ Rue de la Gaite trong 2 năm qua.

Một trường dạy ikebana (nghệ thuật cắm hoa Nhật) đã được mở gần đây ở Nam Phi, chưa kể các hội nghị về ikebana ở Zimbabwe và Đài Loan. Một trường tương tự sẽ được mở ở Vienna trong năm nay. Tại Nova Scotia (Canada), một trường dạy trà đạo của Nhật cũng đã được thành lập.

Các hợp đồng nhượng quyền in ấn các manga (truyện hài hước Nhật) và anime chẳng hạn như Pokemon đã được dịch sang 30 thứ tiếng và được lưu hành ở 65 nước, vẫn đang phổ biến và đóng góp vào việc thu hút sự ham thích của thế giới với văn hóa Nhật.

Các video game có chủ đề Nhật như Tenchu và The Way of the Samurai, thuộc loại bán chạy nhất thế giới. Các trang phục và không khí trong loạt phim Matrix gần đây cũng có nguồn gốc từ Nhật...

Văn hóa Nhật ra toàn cầu ảnh 2

Các nhà phân tích đang lấy làm kinh ngạc trước quy mô tăng trưởng xuất khẩu văn hóa của Nhật, và nhiều người thậm chí cho rằng sự tiếp thu của quốc tế đối với văn hóa nhạc pop Nhật, phim ảnh, thực phẩm, lối sống và nghệ thuật chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ.

Các lãnh đạo doanh nhân và quan chức Chính phủ Nhật đang xem “tổng độc đáo quốc gia” (chơi chữ từ tổng sản lượng quốc gia) như một động cơ mới cho sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo các chuyên gia, sự phổ biến văn hóa Nhật ở nước ngoài cũng có phần được “hậu thuẫn” bởi tâm lý chống Mỹ dâng cao hiện nay.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Marubeni, doanh thu từ tiền bản quyền và kinh doanh nhạc, video game, anime (phim hoạt hình đặc thù của Nhật), nghệ thuật, phim ảnh và thời trang lên đến 12,5 tỷ USD trong năm 2002, tăng 300% so với năm 1992. Trong cùng thời gian, xuất khẩu nói chung của Nhật chỉ tăng 15%.

Tsutomu Sugiura - Giám đốc Viện Nghiên cứu Marubeni - khẳng định: “Nhật đang tìm thấy một chỗ đứng mới trên thế giới, và những lợi ích mới, từ sự say mê của thế giới đối với văn hóa Nhật, đặc biệt là nhạc pop Nhật (một kiểu nhạc pop phương Tây được “Nhật hóa”). Sự tiếp thu những gì mang tính Nhật đã cho chúng tôi một loại ảnh hưởng mới khác hẳn với ảnh hưởng mà chúng tôi có trong quá khứ”.

Từ một đế chế quân phiệt vào nửa đầu thế kỷ trước, Nhật đã trở thành siêu cường kinh tế vào những năm 1980. Tuy nhiên, sự phát triển không vững chắc và tình trạng suy thoái liên miên đã làm cho vị thế siêu cường kinh tế của Nhật phần nào thuyên giảm. Theo các nhà quan sát, sự nổi lên của Nhật như một cường quốc văn hóa có nhiều yếu tố.

Tại Mỹ, anime và manga của Nhật được hấp thụ vào những năm 1970 bởi một thế hệ người Mỹ ham thích công nghệ mà một số trong số họ khởi đầu cho sự bùng nổ dot.com. “Những người đọc manga lúc bé trở thành triệu phú vào những năm 1990. - Douglas McGray, nhà nghiên cứu về “tổng độc đáo quốc gia” của Nhật, nói - Họ phát tán sự ham thích vào bất cứ điều gì mang tính Nhật”.

Theo Viện Marubeni, hiện có 3 triệu người học tiếng Nhật trên thế giới, so với 127.000 năm 1997. Nhiều chuyên gia cho rằng sự gia tăng trên là kết quả của việc phổ quát văn hóa nhạc pop Nhật.

Theo các nhà phân tích, Nhật là một lăng kính văn hóa, nó hấp thụ ảnh hưởng từ bên ngoài và phản chiếu lại với màu sắc và khẩu vị Nhật.

MỚI - NÓNG