Không tiền ngân sách, rừng vẫn xanh um

Không tiền ngân sách, rừng vẫn xanh um
Rừng HTX  Trường Sơn là khu rừng đệm của vườn Quốc gia Vụ Quang. Xung quanh đều là các nông, lâm trường nhà nước. Trong khi các rừng kia ngày một nghèo đi, cạn kiệt dần thì 780ha rừng của Trường Sơn lại xanh um. Từ rừng sản xuất, nó được “nâng cấp” thành rừng phòng hộ đầu nguồn. Dù nhiều năm nay HTX  Trường Sơn không được đồng nào từ tiền ngân sách.
Không tiền ngân sách, rừng vẫn xanh um ảnh 1
Rừng phòng hộ của HTX Trường Sơn làm sống lại suối ồ ồ năm xưa

Thật kỳ lạ cho sức sống của rừng. Chẳng ai chăm nom, săn sóc, chỉ với nắng mưa trên đầu, đất mẹ dưới chân, rừng lặng lẽ hồi sinh. Sau 10 năm, rừng mọc lại. Gấu, hổ, hươu, nai đã trở về. Năm 1979 một đàn voi sáu con ghé thăm Hương Sơn. Năm 1994 - 1995 một đàn voi khác cũng về. Bà con kể một con voi cái đâu như trúng thuốc sâu chết và phải chất củi khô thiêu huỷ tại chỗ vì không tài nào đưa xuống được.

Nhưng những năm sau đó Lâm trường Hương Sơn, Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, Uỷ ban nhân dân xã Sơn Kim không tài nào quản lý được. Rừng vẫn là nơi kiếm sống của những cảnh đời nghèo khó và một số kẻ làm càn. Những cây lim đường kính 15 - 20cm đều bị đánh dấu bằng những nhát rìu để khẳng định nó đã có chủ, đợi lớn lên sẽ chặt. Và 788 ha rừng Sơn Kim thật ra là rừng vô chủ, rừng hoang. Năm 1992, khi Lâm trường Hương Sơn kiểm kê quỹ đất cũng không đưa khu rừng này vào diện tích thuộc quyền quản lý của mình.

Trong số gần 10 000 nông dân Sơn Kim, có ba người là các ông Nguyễn Nhật Tiến, Trần Quốc Việt, và Đặng Văn Linh nhận ra một điều giản dị. Đó là rừng xã mình sẽ nuôi mình mãi mãi nếu còn trông thấy nó. Phải gắn đời mình với nó, phải bảo vệ nó bằng được. Vừa hay, ngày 15/01/1994, Chính phủ ra Nghị định 02/CP quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Có cái gậy pháp lý ấy, tháng 12/1997, huyện Hương Sơn quyết định giao cho mỗi chủ hộ này 50 - 60 ha rừng.

Cũng là khoán hộ nhưng đất ruộng và đất rừng khác nhau nhiều lắm. Ruộng thì hẹp và có bờ, dễ trông nom, chăm sóc. Rừng thì mênh mông, không sức nào rào xuể, vào lối nào cũng được. Ruộng cho thu hoạch sau vài tháng. Rừng thì cho thu hoạch sau nhiều năm. Nhà nào chỉ biết nhà ấy, tài thánh cũng không bảo vệ được.

Phải liên kết lại thành một tổ chức. Có đủ thứ hợp tác xã (HTX) nhưng cả nước chưa đâu có HTX lâm nghiệp. HTX lâm nghiệp mang tên Trường Sơn mà ba người trên là những người sáng lập. Cùng với 11 xã viên đầu tiên, mỗi hộ góp 2 - 3 triệu đồng. Hộ nghèo và mấy hộ dân tộc Lào đóng góp bằng ngày công tu bổ, bảo vệ rừng, mỗi ngày công tương đương với 20 ngàn.

Mỗi năm vào tháng 3 và tháng 8, cả HTX lại tập trung tu bổ rừng. Chặt dây leo, cây bụi, cây không có khả năng phát triển để tạo không gian dinh dưỡng cho cây khác. Trong 7 năm qua, 380 ha được tu bổ, 25.800 công xã viên được huy động, chủ yếu dùng để tuần tra canh gác, bắt giữ được hơn 300 vụ vi phạm, tạm thu, tạm giữ hoặc tịch thu hàng trăm tang vật gồm gỗ, trâu, xe bò, xe công nông, cưa máy, dao, rìu. Chưa kể trồng dặm, riêng trồng mới được 60 ha nữa.

Nạn chặt phá rừng bị chặn lại. 12 năm qua, trữ lượng gỗ rừng, lúc được giao là 20.091m3 nay là 32.165m3. Theo các nhà chuyên môn, nếu tính cả rừng sau nương rẫy  phục hồi được, trữ lượng rừng của HTX Trường Sơn tăng 16 triệu mét khối.

Đến nay HTX khai trừ một hộ vì vi phạm điều lệ HTX, đánh xe vào rừng cộng đồng khai thác gỗ. Bù lại, họ kết nạp thêm 16 hộ. Điều đáng nói là trong số những hộ mới được kết nạp có những người trước chuyên chặt trộm gỗ như anh Nguyễn Văn Ân, 51 tuổi. Giờ anh có chân trong ban bảo vệ dẫn chúng tôi thăm rừng.

Vất vả nhất, khó khăn phức tạp nhất là đi tuần tra bảo vệ rừng, anh Phan Xuân Thống hơn 30 tuổi bị bọn lâm tặc chém xả tay. Vợ anh can “mình làm nhẹ tay thôi”. Anh bảo: “Có chết cho rừng Trường Sơn cũng là chết vinh quang”. Đi một vòng tuần tra phải từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới về tới trạm. Chúng tôi chống gậy, băng rừng leo núi hơn hai giờ mới được một “nhởn” (một mặt dốc). Vậy mà vẫn chưa đến dốc “treo thớt” (dựng đứng như cái thớt treo). Chúng tôi gặp những cây gỗ 2 - 3 tru (trâu) kéo, tức là đường kính đã tới 40 - 50cm rồi.

Không tiền ngân sách, vẫn xanh um

Rừng HTX Trường Sơn là khu rừng đệm của vườn Quốc gia Vụ Quang. Xung quanh đều là các nông, lâm trường nhà nước. Trong khi các rừng kia ngày một nghèo đi, cạn kiệt dần, 780ha rừng của Trường Sơn lại xanh um. Từ rừng sản xuất, nó được “nâng cấp” thành rừng phòng hộ đầu nguồn. Thú vị là trong khi các đơn vị kia được hưởng từ ngân sách 50000 đồng/ha/năm cho bảo vệ rừng, Trường Sơn lại không được đồng nào.

Năm 1994 cả xã có hơn 50% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mãn Thanh, Lào. Nay chỉ còn 26%.  Cần cây gỗ làm chuồng gà, chuồng lợn, HTX vẫn cho kia mà. “Tôi chỉ xin mấy cây cong thôi, không chặt cây thẳng đâu”. Trình độ nhận thức của dân Sơn Kim bây giờ đến mức ấy đấy. Để bảo vệ rừng, HTX có hai chốt, ba trạm, hai điểm phối hợp với đơn vị bạn, một đội cơ động, với chỉ một nhiệm vụ duy nhất là kiểm tra canh gác. Xã cũng có một đội chống phá rừng và một trung đội dân quân cơ động với nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, trong đó có bảo vệ rừng.

Chuyện bảo vệ rừng của HTX Trường Sơn như là minh chứng cho lời dạy của Bác Hồ: Rừng là vàng. Nếu ta biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý.

MỚI - NÓNG