Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long:

“Trường tư thục sẽ là xu thế tất yếu”

“Trường tư thục sẽ là xu thế tất yếu”
Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục” (ĐHTT). Tiền Phong đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long xung quanh quy chế mới này.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bành Tiến Long:

“Trường tư thục sẽ là xu thế tất yếu”

  • Trường dân lập sẽ tự “biến mất”; Trường tư thục sẽ bị đóng cửa nếu vi phạm quy chế

Trường dân lập và tư thục, hai loại trường này khác nhau ở điểm nào, thưa Thứ trưởng?

Hai loại trường này khác nhau cơ bản về tổ chức, hoạt động tài chính, tài sản... Chẳng hạn,  trường ĐHDL không có Đại Hội đồng Cổ đông và Ban Kiểm soát trong khi ĐHTT đòi hỏi phải có; trường ĐHDL không quy định cụ thể vốn ban đầu nhưng ĐHTT đòi hỏi phải có vốn ban đầu là 15 tỷ đồng, diện tích lớp học phải đảm bảo 4m2/sinh viên; diện tích đất tối thiểu cho một SV là 10m2; có quy định riêng đội ngũ giáo viên cho từng khối ngành... Tóm lại, quy chế trường TT cụ thể và chặt chẽ hơn. Trường tư thục được chia lãi cho các thành viên góp vốn sau khi trừ nghĩa vụ đối với Nhà nước và có quy định về sự chuyển nhượng trong khi trường DL không có...

Với việc quy chế ra đời, ông nhìn nhận thế nào về xu thế phát triển của trường ĐH tư thục?

Cùng là một loại hình trường ngoài công lập nhưng ở trường TT quy chế hoạt động rõ ràng hơn, chủ sở hữu tài sản và tài chính và điều kiện để đảm bảo chất lượng cụ thể hơn: Chủ sở hữu chịu toàn bộ trách nhiệm về chất lượng, sự tồn tại và phát triển của trường TT.

Tuy nhiên, trường TT sẽ là một xu thế tất yếu của tương lai. Sau này việc đào tạo nhân lực trình độ cao ở VN chỉ còn tồn tại chủ yếu 2 loại hình trường công lập và TT. Đây cũng là xu thế phát triển chung của thế giới. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng các loại hình giáo dục khác có thể có thêm các trường DL, bán công.

Từ năm 2010, đào tạo ngoài công lập, đặc biệt số lượng trường TT sẽ tăng nhanh để đảm bảo chủ trương xã hội hoá giáo dục của Đảng và Nhà nước và sẽ gánh một tỷ trọng lớn cho ngành GD-ĐT. Đến năm 2010, các trường ngoài công lập sẽ gánh 40 % tỷ trọng GD-ĐT để đỡ gánh nặng cho các trường công lập.

Được biết, ngành GD-ĐT đang có chủ trương chuyển đổi các trường bán công sang TT. Như vậy, các trường DL sẽ “biến mất”, thưa Thứ trưởng?

Hiện nay ngành GD-ĐT đang xây dựng đề án chuyển đổi các trường bán công sang TT để tháng 3/2005 trình Chính phủ và sẽ lấy đó làm cơ sở để chuyển đổi các trường DL sang TT. Qua thực tế hoạt động, tự thân các trường DL có sự phức tạp về tài chính, hoạt động và quyền lợi... Sau một thời gian hoạt động, trường TT sẽ tỏ rõ tính ưu việt của mình và lúc đó các trường DL sẽ tự  mất đi để chuyển đổi sang trường TT.

Được biết, việc chuyển đổi đang vấp phải nhiều khó khăn, trong đó, khó nhất là quyền sở hữu, Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

Trong trường bán công có phần sở hữu của Nhà nước nên khó. Lúc đầu các ý kiến đưa ra 4 phương án chuyển đổi khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ ngành GD-ĐT chỉ chọn phương thức chuyển nhượng cho tư nhân. Tất nhiên, phần đất đai không được bán.

Thực tế vừa qua cho thấy, có một số trường ĐHDL gặp “vấn đề” nhưng Bộ GD-ĐT không thể xử lý được một cách triệt để do vướng mắc Quy chế, liệu điều này có lặp lại ở trường TT và nếu trường TT “có vấn đề” thì  có bị đóng cửa không, thưa Thứ trưởng?

Trường DL là mô hình ngoài công lập đầu tiên ở VN nên quy chế trường DL chưa được hoàn chỉnh vì thiếu kinh nghiệm. Quy chế trường TT đã rút được kinh nghiệm và khắc phục được các mặt hạn chế của quy chế trường DL. Theo điều 41 của quy chế trường TT, trong trường hợp ĐHTT không chấp hành đúng pháp luật, các quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT, không đảm bảo yêu cầu tối thiểu về CSVC, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên phục vụ việc giảng dạy học tập, không đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn thì tuỳ mức độ vi phạm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ nhắc nhở, quyết định tạm dừng tuyển sinh hoặc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trường.

Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng.

Ông Long cho biết, trên thực tế, chủ trương xây dựng trường TT đã được triển khai từ trước. Mới chỉ có 1 trường CĐTT Thành Đô (HN) dạy các ngành công nghệ. Sắp tới có trường CĐTT Đức Trí (Đà Nẵng) dạy Công nghệ và Kỹ thuật. Một vài trường đang trình Thủ tướng để thành lập về mặt nguyên tắc như: ĐHTT Hưng Yên, ĐHTT Kinh tế-Tài chính TP HCM; một trường CĐTT Nguyễn Tất Thành (TP HCM).
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.