Trở lại bài báo: Hàng trăm ha lòng hồ Thác Mơ  bị lấn chiếm như thế nào?

Chỉ có vài hộ bắt đầu chịu tháo dỡ

Chỉ có vài hộ bắt đầu chịu tháo dỡ
Rừng phòng hộ đầu nguồn Thuỷ điện Thác Mơ cũng đã bị dân chiếm mất.

Báo Tiền phong số 243 ra ngày thứ Hai, ngày 6/12 đăng bài báo trên, phản ánh tình trạng hàng chục hộ dân của các huyện Bù Đăng và Phước Long lấn chiếm hàng trăm ha với cách thức dùng cơ giới bao đê làm thành ao thả cá. Sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được sự đồng tình của một số hộ dân ở huyện Bù Đăng và cung cấp thêm các thông tin liên quan khác.

Qua tìm hiểu được biết, tình trạng lấn chiếm lòng hồ thuỷ điện Thác Mơ đã có từ năm 2003 và liên tục trong các tháng 5-6/2004 tình trạng lấn chiếm lòng hồ diễn ra công khai trên quy mô rộng. Tháng 10/2003 tại thôn Phước Lộc và thôn Bầu Nghé của xã Phước Tín (huyện Phước Long), Cty TNHH thủy sản Phước Sơn do ông Nguyễn Văn Nhớ làm chủ đã san lấp, bao đê, lấn chiếm vùng bán ngập lòng hồ khoảng 8 ha ở 2 khu vực.

Đáng báo động là thời gian gần đây, tình trạng vi phạm ngày càng cao. Huyện Phước Long có 6 hộ ở xã Phước Tín vi phạm, có 6 hồ với diện tích 20 ha, trong đó có 2 hồ đã hoàn tất được đắp kín xung quanh và đang nuôi cá với diện tích khoảng 4 ha, 3 hồ đang móc đất, đắp bờ đang chuẩn bị nuôi cá.

Huyện Bù Đăng có 25 hộ ở xã Bom Bo, Minh Hưng và Đức Liễu vi phạm với 26 hồ, diện tích lấn chiếm vùng bán ngập lòng hồ Thác Mơ khoảng 151,4 ha. Xã Bom Bo có 4 hộ, đào đắp 4 hồ với diện tích 20,5 ha trong đó có 3 hồ với diện tích 17,5 ha đã được xe cơ giới đắp thành đập.

Xã Minh Hưng việc lấn đất và làm hồ có “quy mô” hơn với 12 hộ vi phạm. Khi đến nơi, mọi người càng ngạc nhiên hơn khi có 8/12 hồ được đắp hoàn chỉnh với diện tích khoảng 38,7 ha và 4 hồ còn lại với 19 ha được đóng cọc giăng lưới kín như ao nhà.

 Xã Đức Liễu có 9 hộ vi phạm thì có đến 8 hồ với diện tích 8,2 ha được xe cơ giới đắp kín. “Việc nhiều hộ đắp bờ đập đã diễn ra lâu nay khá công khai, rầm rộ bằng xe cơ giới nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở. Nếu chính quyền ra tay từ đầu chắc chắn không ai dám vi phạm ngang nhiên như thế”. Ông Trần Minh, một cựu chiến binh ở Đức Liễu nói với chúng tôi như vậy.

Chúng tôi được biết trong thời gian vừa qua, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ và các huyện Phước Long, Bù Đăng đã có nhiều cuộc họp và đi đến thống nhất: yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ phần hồ lấn chiếm trong khoảng thời gian 30 ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế lòng hồ vẫn chưa được trả lại nguyên trạng dù thời gian quy định đã qua lâu. Trao đổi với PV báo Tiền Phong chiều 20/1, ông Nguyễn Sĩ Thưởng – Trưởng phòng bảo vệ Nhà máy Thuỷ điện Thác Mơ cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã phối hợp cùng với địa phương đi kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu các hộ tự tháo dỡ nhưng đến nay mới chỉ có 3 hộ ở Bom Bo (huyện Bù Đăng) thực hiện. Còn những hộ khác vẫn chưa có dấu hiệu tháo dỡ”.

Đã đến lúc lãnh đạo các huyện Bù Đăng, Phứơc Long và Nhà máy Thuỷ điện Thác Mơ cần kiên quyết hơn nữa trong việc lập lại trật tự lòng hồ.

Ông Nguyễn Thắng – Trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tại rừng phòng hộ Bù Gia Phúc (đầu nguồn hồ Thác Mơ) có 363 ha bị dân phá làm rẫy, nâng tổng diện tích đất lâm nghiệp bị dân xâm canh lấn chiếm trái phép từ trước đến nay lên 17.640 ha trên tổng số 20.556 ha đất lâm nghiệp của Ban quản lý.

Trong đó 100% diện tích rừng phòng hộ lòng hồ Thuỷ điện Thác Mơ thuộc địa phận BQL rừng phòng hộ Bù Gia Phúc bị dân xâm canh lấn chiếm hết và rất khó có khả năng thu hồi hay thực hiện các dự án giao đất cho các tổ chức, cá nhân theo các dự án đã được phê duyệt. Hiện chỉ còn 1.223,7 ha diện tích rừng tự nhiên và chủ yếu là rừng dạng “da beo” giá trị thấp”.

Như vậy, ngoài lòng hồ bị lấn chiếm, rừng phòng hộ đầu nguồn của Thuỷ điện Thác Mơ cũng đang bị mất dần. Đây là tình trạng đáng báo động, cần sớm có biện pháp giải quyết.

MỚI - NÓNG