Băn khoăn 'chuyển vai'

TP - Việc Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đề xuất việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, với nhiều quan điểm trái chiều.

Trước năm 1995, Bộ Công an là cơ quan được giao quản lý chịu trách nhiệm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và đăng kiểm phương tiện. Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay, lĩnh vực này được chuyển giao cho Bộ GTVT. Việc giao cho Bộ GTVT phụ trách đào tạo, cấp GPLX vào thời điểm đó phù hợp với xu thế và giúp Bộ Công an giảm bớt gánh nặng trong quản lý để tập trung làm nhiệm vụ giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam), khi xây dựng Dự thảo Nghị định 36 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, Thủ tướng Chính phủ (khi đó là ông Võ Văn Kiệt) đã đề nghị chuyển 3 lĩnh vực từ Bộ Công an sang Bộ GTVT là đăng kiểm phương tiện; đăng ký, cấp biển số xe và sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, cuối cùng Chính phủ quyết định chỉ chuyển đăng kiểm và sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang cho Bộ GTVT, còn Bộ Công an vẫn thực hiện việc cấp đăng ký xe. “Việc giao như thế là phù hợp, đúng với nguyên tắc những gì cơ quan dân sự làm được thì nên để cơ quan dân sự làm, còn lực lượng công an nên tập trung vào công tác ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông”, ông Hùng kể.

Thực tế cho thấy, tại phần lớn các nước, việc sát hạch giấy phép lái xe đều do cơ quan dân sự đảm nhiệm. Thậm chí như ở Singapore, việc sát hạch cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền của Hiệp hội Quản lý ôtô. Tuy nhiên, cũng có một số nước quy định cảnh sát cấp GPLX như Hàn Quốc, Nhật Bản, song cảnh sát ở nước này không phải là lực lượng vũ trang mà là lực lượng dân sự.

Hiện tại, hoạt động quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang được Bộ GTVT thực hiện. Thực tế thời gian qua, trong công tác quản lý nhà nước về vấn đề này vẫn còn những bất cập nhất định. Song theo nhiều chuyên gia, những bất cập đó hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tính liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan xử phạt vi phạm là cảnh sát giao thông với cơ quan quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX mà không cần phải chuyển chức năng quản lý từ cơ quan dân sự sang lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, việc giao cho lực lượng vũ trang thực hiện sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe cũng gây ra những băn khoăn nhất định về xu thế quản lý trong thời gian tới đối với những vấn đề mà cơ quan dân sự đang làm. Điều này liệu có đi ngược với yêu cầu tinh giản bộ máy nhà nước, khi mà các trung tâm đào tạo sát hạch GPLX hiện nay hầu hết đã được xã hội hóa. Liệu có xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX không...? Đây là những câu hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để quyết định phương án phù hợp nhất.     

MỚI - NÓNG