Bế tắc

Bế tắc
TP - BOT vốn là một cụm từ nhiều ý nghĩa tích cực, nhưng nó đang bị lên án do quá trình thực hiện có nhiều vấn đề bất cập. Sự xuất hiện của các trạm BOT khiến người dân có thể nghĩ tới trận đồ bát quái. Đã thế, trong cơn bùng nhùng về giá cước, mịt mờ năm hoàn vốn, thu phí không dừng…, Bộ GTVT lại mất công đồng loạt đổi “phí” thành “giá” và ngược lại. Một sự bế tắc hiện hữu.

Ngay tại cơn bùng nhùng BOT Cai Lậy (Tiền Giang) do người đứng đầu Bộ GTVT ký lúc bấy giờ, lục lại kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng đầy vấn đề. Chỉ riêng công tác quản lý chi phí đầu tư của dự án này có sai sót với số tiền lên tới gần 38 tỷ đồng. Một dự án hết địa phương đổ lỗi cho Bộ GTVT và ngược lại. Cuối cùng phải chờ tới “bàn tay” của Chính phủ can thiệp.

Lịch sử BOT đường bộ đầu tiên phải kể tới một trạm thu có tên mỹ miều “Cỏ May” tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trạm này hình thành từ ngày 19/6/1997 (kinh phí xây dựng gần 120 tỷ đồng, nằm trên quốc lộ 51, tuyến đường từ TPHCM - Vũng Tàu). Đến năm 2011, trạm này hết thời gian, nhưng ông chủ là Tập đoàn Hải Châu muốn thu thêm với lý do “chưa thu hồi đủ vốn”. Tổng cục Đường bộ lúc bấy giờ không hiểu vì sao đã “gật đầu” trước lý do này. Tuy nhiên, áp lực từ người tham gia giao thông và địa phương đã buộc trạm này phải dừng đúng hạn. Hồi đó, người dân đã ít nhiều nhận ra, chủ đầu tư đã lãi lớn trước cả thời gian, nhưng chưa có máy móc hay đơn vị độc lập nào tính toán.

Nhìn một cách toàn diện, các trạm BOT rất thích đặt chốt tại các cửa ngõ thành phố. Có nhiều trạm, làm đường một nơi, nhưng thu một nẻo. Trạm BOT Bắc Thăng Long làm Quốc lộ 2, oái ăm lại đặt tại “yết hầu” vào Thủ đô, án ngữ các ngả từ Sân bay Nội Bài vào nội đô. Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), Hà Nội đi Hải Phòng… cũng thế. Trong quá trình đó, thậm chí nội bộ các nhà đầu tư không tin tưởng nhau còn đem máy đếm phương tiện (như đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ) và lôi kéo báo chí vào cuộc để gây sức ép lên nhau, khiến dư luận nổi sóng một thời. Hỏi làm sao, người dân tay không thiết bị, chỉ đếm bằng mắt thường, biết tin ai. Ngay cả, câu chuyện một trạm BOT bị cướp lộ ra số lượng tiền, rồi chính ngành dọc vào kiểm tra cũng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi: Người trong nhà kiểm tra có khách quan. Vân vân.

Ai thực sự đang giám sát và quản trị các trạm BOT? Câu hỏi tưởng vô lý. Thế nhưng, sau “phí-giá-phí” và “thiên la địa võng” các trạm BOT, bất tuân theo thời hạn Chính phủ đặt ra để áp dụng thu phí không dừng, Bộ GTVT cần xem lại năng lực. Nhà đầu tư không thể mặc sức thao túng.

Người dân khó mà chấp nhận được khi Quỹ Bảo trì Đường bộ đã thu, nay phải đi qua những giăng mắc BOT giá cao. Ai đó sẽ lý giải cần quá trình hoàn thiện cơ chế, nhưng từ trạm BOT đầu tiên năm 1997 đến nay đã hơn 20 năm, rất nhiều “Cỏ May” đã mọc và gây khó chịu khắp nơi. BOT đường bộ đã lan sang BOT chùa, BOT danh lam thắng cảnh… Hậu quả đó từ đâu?

MỚI - NÓNG