Biển của thời đã mất

Biển của thời đã mất
TP - Xin mượn tiêu đề một truyện ngắn của nhà văn Gabriel Garcia Marquez để đặt title cho bài báo này. “Biển của thời đã mất” là một thực trạng đang được báo động trên toàn bộ vùng lãnh hải Việt Nam. Với nhiều cách đánh bắt theo kiểu hủy diệt từ trong trứng nước như sử dụng thuốc nổ, xung điện, tàu giã cào…

Vùng biển Tây Nam của Việt Nam chúng ta nổi tiếng lắm cá nhiều tôm, với nhiều hải vị ngon nức tiếng trên các quần đảo từ Hà Tiên ra Phú Quốc đến Thổ Chu. Vùng biển này còn có sự hiện diện của “nàng tiên cá” hay còn gọi là Dugong.

Trong nhiều lần tâm sự, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - ông Nguyễn Văn Tân - Ba Tân (Nguyên Giám đốc Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang, Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) tự hào nói: Thời đó, hơn 30 năm trước, khu vực biển Tây Nam hải sản các loại nhiều vô kể. Cứ ra khơi là cá lại đầy khoang. Chính vì thế nên nhiều tàu cá các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… thường xuyên xâm nhập trái phép để khai thác hải sản. Trên các tàu của công ty chúng tôi đều có lực lượng dân quân tự vệ, họ được trang bị súng, vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi được phong anh hùng lao động ngoài việc đưa công ty trở thành lá cờ đầu trong khai thác thủy sản, còn có thành tích lớn trong việc xua đuổi, bắt giữ nhiều tàu cá của các nước trong khu vực sang vùng biển Tây Nam đánh bắt trái phép.

Nhưng ông Ba Tân càng tự hào cho “những ngày đã xa” bao nhiêu thì ông lại ngậm ngùi cho một thực trạng biển Tây Nam hiện nay bấy nhiêu. Không ngậm ngùi sao được khi mà vùng biển một thời làm nên con người anh hùng như ông giờ đây lại vắng bóng cá tôm. Cái vùng biển mà ngư dân các nước láng giềng từng xâm lấn ngư phần nay chính chủ nhân của vùng biển ấy lại xót xa, tủi phận vì biển bạc nghèo đi trông thấy. Và rồi họ lén lút ra nước ngoài đánh bắt để rồi bị phạt tiền, phạt tù. Và những năm gần đây một số nước đã mạnh tay tịch thu, phá hủy những chiếc ghe cả chục tỷ đồng của ngư dân Việt ngay trên biển.

Tình hình nguồn lợi thủy sản trong nước, nhất là những vùng ven bờ cạn kiệt đã được báo động từ nhiều năm qua. Ngư dân bỏ biển lên bờ ngày một đông. Con đường đánh bắt chui lủi ở nước ngoài cũng dần đóng lại. Đáng chú ý, khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt thì cách thức đánh bắt theo kiểu tận diệt lại càng phát triển mạnh với các nghề như te, xung điện, giã cào; hay dùng những ngư lưới cụ kích thước mắt lưới nhỏ như chụp mực, lừ xếp, đăng, mành, lưới kéo…

Với kiểu đánh bắt hoang dã như trên thì biển bây giờ hiện hữu là “biển của thời đã mất”.

MỚI - NÓNG