Biểu tượng lỗi

TP - Những tượng đài, quần thể kiến trúc, công trình văn hóa lớn nhỏ, nhân danh những hình tượng, ý nghĩa cao cả, nhưng hầu như không phát huy được gì, ngoài việc chi tiêu những món ngân sách khổng lồ và ai đó hưởng lợi.

Vàng là biểu tượng của giàu sang. Phước Sơn–Quảng Nam là “thủ phủ” vàng, khai thác từ thời Pháp thuộc tới giờ chưa hết vàng. Nhưng cho đến nay đây vẫn là một trong những huyện nghèo nhất nước phải hưởng chính sách trợ cấp nhóm 1 của Chính phủ. Nay huyện lại chọn… tượng đài để xoay chuyển cơ cấu kinh tế. Cụ thể là đang chi hơn 14 tỷ đồng tiền ngân sách xây tượng đài để làm biểu tượng truyền thống, thu hút du lịch.

Đó là một thứ biểu tượng lỗi.

Yên Định, một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa gần đây cũng đề xuất xây tượng đài 20 tỷ đồng làm biểu tượng truyền thống. Trong khi địa phương này đang ì xèo với khoản nợ 52 tỷ đồng tiền tiếp khách, ăn uống,… chưa biết lấy gì trả!

Đây cũng là một thứ biểu tượng lỗi.

Rất nhiều những thứ “biểu tượng lỗi” như vậy đã và đang hiện diện trên khắp đất nước. Những tượng đài, quần thể kiến trúc, công trình văn hóa lớn nhỏ, nhân danh những hình tượng, ý nghĩa cao cả, nhưng hầu như không phát huy được gì, ngoài việc chi tiêu những món ngân sách khổng lồ và ai đó hưởng lợi.

Biểu tượng là khái niệm rộng lớn, vật thể/phi vật thể pha trộn văn hóa, văn học, lịch sử, triết học, tôn giáo, tâm lý học,… Nhưng ở ta gần đây dường như chỉ lưu tâm nhiều tới các công trình biểu tượng. Chi tiền, chi nhiều tiền để xây nên là có… biểu tượng! Chúng ta cũng chỉ say mê với những công trình biểu tượng về chiến đấu, chiến công, chiến thắng... Nhớ một dạo tỉnh Thái Bình muốn dựng một “tượng đài đói” tưởng niệm hơn một triệu người dân địa phương chết trong nạn đói 1944-1945, nhưng bị gạt đi vì nó “u ám quá”!

Hay như kỳ tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, cũng đã có tượng đài cụ thể nào đâu! Ngoài chính biểu tượng thiết thân nhất là bát cơm hàng ngày của mỗi người dân. Nó đầy hay vơi.

Tượng đài xi măng, gạch đá hay đồng thau tự thân nó không có ý nghĩa gì, không chứa đựng một giá trị tinh thần mang tính biểu tượng nào, nếu thiếu sự tương tác sâu sắc với các cộng đồng người trong xã hội. Nếu nó không phù hợp hoàn cảnh, đem lại niềm tin, xúc cảm và ích lợi, tác động trực tiếp và sâu xa lên mỗi cấu trúc tinh thần con người.

Nếu không, đó chỉ là những thứ biểu tượng lỗi, và không có một vị thế nào trong tâm hồn và đời sống người dân.

Chúng ta đang sống giữa thời đại ngày càng có nhiều những thứ “biểu tượng thất truyền”. Tình yêu chân thật, tính nhân bản gốc. Thất truyền niềm tin trong sáng của con người. Thất truyền thật nhiều những ký ức tươi đẹp của loài người trên trái đất này.

Bức thư viết tay được chôn vào lòng đá nhà máy thủy điện Hòa Bình, phải đợi 100 năm sau, đến ngày 1/1/2100 mới có thể được phép mở ra xem. Ngần ấy thời gian, liệu những dòng chữ thuở ấy có “lạc hậu” trước tốc độ phát triển vũ bão hiện giờ?

Lá thư Hòa Bình, thực ra không phải là cuốn Thánh kinh được bí mật chôn giấu vào lòng viên đá móng của một đài tưởng niệm, như trong tiểu thuyết lừng danh mang tên “Biểu tượng thất truyền”.

Bởi dòng điện phát ra từ công trình biểu tượng về năng lượng đất nước vẫn đang được chúng ta sử dụng mỗi ngày. 

Đó mới chính là điều mà người dân thực sự cần. 

MỚI - NÓNG