Cào bằng giàu nghèo?

TP - Thuế tài sản, về nguyên tắc không có gì phải bàn cãi một khi 174/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thu loại thuế này. Người càng có nhiều tài sản càng phải đóng thuế nhiều là điều hiển nhiên trong một xã hội dân chủ - công bằng - văn minh.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, thuế tài sản là công cụ nhằm “điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội”. Vậy vì sao, đề xuất thu thuế tài sản mà Bộ này vừa công bố đang ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận?

Đó là vì, quy định trong dự thảo của Bộ Tài chính đang bị cho là cào bằng và tận thu, hay nói cách khác chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng, thu đúng, thu đủ. Với quy định nhà ở của người dân, bất kể người đang có duy nhất một ngôi nhà hay có dăm bảy cái, đều phải đóng thuế tài sản (0,4% hàng năm) nếu trị giá trên 700 triệu đồng. Trên thực tế, điều này có nghĩa hầu hết người dân các đô thị lớn tại Việt Nam sẽ đều phải đóng loại thuế này. Ngay cả một căn hộ diện nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp ở Hà Nội cũng khó có thể mua được với mức giá dưới 1 tỷ đồng. Hàng vạn cặp vợ chồng trẻ đang đầu tắt mặt tối nuôi con nhỏ, tích cóp, vay mượn ngân hàng mãi mới mua được căn hộ trả góp, nay đè ra đánh thuế họ sao ?  Những cặp vợ chồng già, lương hưu một vài triệu phải sống tằn tiện qua ngày, có mỗi căn nhà tập thể nhà nước phân từ thời bao cấp, nay cũng đè ra đánh thuế họ sao ? Đó là chưa kể, không ít dân nghèo thành thị, cả gia đình nhiều thế hệ, hơn chục người đang phải sống chật chội trong một căn nhà phố duy nhất do ông bà tổ tiên để lại, sở hữu chung nên bán để chia cũng không dễ, nay đè ra đánh thuế họ sao ?

Vậy thì tại sao không quy định chỉ đánh thuế những người sở hữu từ ngôi nhà thứ hai trở đi ? Hoặc công bằng hơn, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nên lấy mức bình quân diện tích nhà ở mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 là 25m2/người là ngưỡng không chịu thuế. Phần diện tích vượt ngưỡng này mới phải tính thuế nhằm đảm bảo quyền mọi người dân đều có nhà để ở.

Được biết, do việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi rất phức tạp nên không thực hiện phương án đánh thuế nêu trên. Nếu chỉ vì khó xác định những ai đang sở hữu ngôi nhà thứ hai mà đè tất cả ra đánh thuế tài sản - kể cả những cặp vợ chồng trẻ đang mưu sinh lẫn người già về hưu cả đời làm công ăn lương có mỗi căn hộ tập thể để chui ra chui vào – là điều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, việc này cũng đồng nghĩa sắc thuế này đang cào bằng giữa những người chỉ có mỗi căn nhà để ở với những người đang đầu cơ nhà đất.

Thuế tài sản, thực chất là một công cụ nhằm điều tiết giữa người giàu và người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội. Song với những bất hợp lý vừa nêu, vô hình trung Dự thảo sắc thuế này “đánh” cả vào những người đang làm việc quần quật, đang chi tiêu tằn tiện mới đủ sống ở chốn thị thành ? Liệu có bất công với người ít tài sản và ưu ái với những người nhiều tài sản? Vậy nguyên tắc tối thiểu của một sắc thuế là công bằng, thu đúng và thu đủ, ở đâu?      

MỚI - NÓNG