Chấm điểm tiềm lực

Chấm điểm tiềm lực
TP - Hôm trước, ngồi trò chuyện về đề thi năm nay, anh bạn đồng nghiệp bên truyền hình chợt nảy ra “sáng kiến”: “Hay là tui với ông làm hồ sơ đăng ký đi…thi lại tốt nghiệp nhỉ? Để xem cảm giác thi cử của mấy đứa nhỏ con mình ra sao?”.

Ừ, tại sao không? Bởi có cảm giác rằng làm người ngoài cuộc vẫn có gì đó sai sai. Mấy vị giáo sư Toán kêu không tài nào làm hết 50 câu trắc nghiệm môn Toán trong 90 phút. Nhưng lại cũng có người phản đối, rằng không thể lấy dao mổ trâu để làm gà. Tụi nhỏ có kỹ năng thi cử sát sườn nhất với đề bài kiểu này rồi. Rằng khó để còn phân loại, v..v.

Thật khó để biết đúng sai ra sao, chắc phải đợi công bố điểm thi mới rõ.

Cũng như môn Văn. Đáp án chính thức đề thi về tiềm lực đã có. Nhưng vẫn khá mơ hồ, như cái cách chúng ta hôm nay nghĩ về tiềm lực. Và phụ thuộc quá nhiều vào cảm thức/nhận thức của người chấm. Rồi có lẽ cũng như Toán, phổ điểm môn Văn khả năng cũng sẽ thấp hơn mọi năm.

Tôi tò mò muốn biết con tôi, con của bạn bè tôi đã viết những gì về tiềm lực trong bài thi ấy. Vì có hỏi, chúng cũng không chịu “khai” ra. Tôi tò mò muốn xem trong bài thi đạt điểm 10 môn Văn năm nay (chắc là sẽ có), cô/cậu thí sinh ấy viết gì trong đó? Liệu có gì “gây hấn” hay bùng nổ mạnh mẽ suy tư cá nhân về sứ mệnh, trách nhiệm trước xã hội không? Liệu có chung với suy tư của đông đảo người dân hiện nay về sứ mệnh trước vận mệnh đất nước không? Hay vẫn sẽ lại tròn trịa trong sự “ổn định” quen thuộc như vẫn được giáo huấn ở trường và các lò luyện thi?

Rồi tôi tự hỏi, mình sẽ viết gì trong bài thi này?

Trước tiên tôi sẽ viết về quyền lực. Khi hiện tại, quyền lực chính là một thứ tiềm lực rất ghê gớm của không ít những quan chức/phe nhóm. Bao nhiêu họ hàng, dây mơ rễ má cùng kéo nhau lên làm quan. Bao nhiêu dinh cơ, biệt phủ của những người có chức quyền. Béo bở chia nhau những ghế to ghế nhỏ chốn công quyền. Tiền bạc ngồi hưởng mười đời không hết…

Quyền lực đen đẻ ra thứ tiềm lực đen đáng sợ. Đẩy vận mệnh đất nước lùi dần về bờ vực…

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói. Cơ chế ở đây tất nhiên phải là luật pháp và các quy định theo Hiến pháp và pháp luật. Một loại cơ chế, thể chế không chỉ đủ mạnh, mà cần thực sự tiên tiến, dân chủ, văn minh hòa nhịp với xu thế thời đại mới có thể “nhốt” thứ quyền lực/tiềm lực đen đang có dấu hiệu ngày càng lấn lướt kia.

Nếu không, thì chính cơ chế, thể chế lỗi thời với những lỗ hổng “chết người” sẽ bị “cầm tù” ngược trở lại bởi thứ quyền lực/tiềm lực ma quỷ. 

Tụi nhỏ trong vài chục phút làm bài thi hẳn chưa thể đẩy suy nghĩ rộng dài ra đến thế. Mà trước hết đó phải là suy nghĩ và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Những công dân luôn đau đáu thiết tha với sự trường tồn của đất nước.

Nhưng rồi ai sẽ chấm điểm chúng ta?

MỚI - NÓNG