Chấn thương không đứt gãy

TP - “Chưa từng có thời điểm nào như thế này”, có lẽ không chỉ là nhận xét của nhiều người Mỹ, mà còn là tâm thế khá “sốc” của cả thế giới, khi chứng kiến cảnh Đồi Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ) ở thủ đô Washington “thất thủ” hôm 6/1 vừa rồi.

Đám đông manh động đã xông vào gây bạo loạn tại nơi được xem là đại diện cho các giá trị dân chủ Mỹ, và là nơi thể hiện ý chí tập thể của người dân Mỹ. Đã có máu đổ. Có người chết...

Nhiều điều sẽ đi vào lịch sử cường quốc lớn nhất thế giới này, với những gì xảy ra những ngày qua.

“Người dân Mỹ cần đoàn kết lại”. “Nước Mỹ cần được hàn gắn”,... Đó là lời kêu gọi, cũng là mong muốn lúc này của người dân Mỹ và các quốc gia trên thế giới.

Nhưng không chỉ nước Mỹ hay một quốc gia nào khác, mà chính cả thế giới này cũng đang cần được hàn gắn. Với những “vết thương” và đổ vỡ nội tại trong nhiều quốc gia. Toàn cầu hóa và chuỗi giá trị toàn cầu của thế kỷ 21 đã đem lại sự phát triển cho nhiều nền kinh tế, cũng như sự giàu có và quyền lực vũ bão cho các ông chủ lớn. Nhưng rồi, sự rạn nứt và đổ vỡ của mỗi chủ thể cũng không thể nằm ngoài “chuỗi” ấy. Những chấn thương chính trị, kinh tế, môi trường, và cả về tự do, dân chủ, công bằng, văn minh cũng đã toàn cầu hóa, khó “mắt xích” nào có thể đứng ngoài.

Đại dịch COVID-19 dẫu gây thảm kịch kinh hoàng cho nhân loại, nhưng xét cho cùng, tôi nghĩ đó chỉ là nguyên cớ, là những giọt nước cuối cùng của cái ly đã không còn sức chứa. Khi những chấn thương về tư tưởng, tinh thần, đạo đức thời hiện đại với vô vàn mâu thuẫn nội tại chưa thể giải quyết đã âm ỉ, dồn nén từ khi nào.

Tất cả thế giới là một sàn diễn...” là đúc kết của W. Shakespeare. Kịch tác gia  vĩ đại sống và sáng tạo trong bối cảnh chuyển tiếp giữa thời kỳ Phục Hưng và Khai Sáng ở châu Âu. Giữa một Phục Hưng tràn ngập nhân văn, và Khai Sáng thức tỉnh lý trí, trí tuệ giúp con người thoát khỏi tình trạng “vị thành niên” để trưởng thành hơn. Kết quả tiếp theo là vũ bão của những cuộc cách mạng Công nghiệp và Khoa học kỹ thuật. Nay thì mọi giá trị, trong đó có cả những thước đo đạo đức đến lúc “chênh chao” trước sự thống trị của công nghệ số. Hệ giá trị nào giữa công nghệ và dân chủ, giữa công nghệ với nhân văn, và tương lai của nó? Khi “sàn diễn” thế giới giờ đây không còn như thế kỷ 17 của Shakespeare.

Không phải ngẫu nhiên ông chủ Microsoft Bill Gates – một trong những Big Tech không đồng tình với quan điểm về viễn cảnh tương lai loài người trong cuốn “Homo Deus - Lược sử tương lai” của Yuval Noah Harari. Trước viễn cảnh những “tầng lớp trên” được sự hỗ trợ của công nghệ gen và công nghệ sinh học trở thành “giống loài thần thánh”, để cùng với những con robot thông minh sẽ xem “phần còn lại của nhân loại như đồ thừa”.

Nhưng còn vế sau câu nói trên của Shakespeare: “và chúng ta đều là những kịch sĩ”. Con người giờ đây còn có thể “diễn kịch” trước những chấn thương trong chuỗi toàn cầu không thể tách rời và đứt gãy này?                             

MỚI - NÓNG