Chết vì COVID

Chết vì COVID
TP - Dù thế nào, thì ngày 31/7/2020 cũng đã đi vào lịch sử, lịch sử của công cuộc chống đại dịch thế kỷ tại Việt Nam. Đó là ngày mà bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam tử vong. Sau tròn 189 ngày đêm chúng ta bền bỉ và quyết tâm không để cho “giặc dịch” bất cứ cơ hội nào, kể từ khi nước ta xuất hiện ca mắc đầu tiên vào ngày 21/1/2020, là hai cha con bệnh nhân người Vũ Hán (Trung Quốc).

Tính đến đêm qua (1/8), bệnh nhân nữ 68 tuổi ở Đà Nẵng là ca thứ 3 của Việt Nam tử vong vì COVID-19, trong tình trạng suy kiệt vì ung thư máu giai đoạn cuối.

Tranh cãi đâu đó trên mạng, rằng “chết vì COVID”, hay chết vì “bệnh lý nền quá nặng”. Tất nhiên là vì COVID, không ai phủ nhận điều đó. Báo chí mấy ngày qua đăng tin đều khẳng định như vậy.

Phải nói chủng mới virus corona lần này quá nhanh, quá nguy hiểm. Dù thế giới đã đương đầu với hàng trăm chủng virus corona khác nhau, còn tại Việt Nam mới ghi nhận đến chủng thứ 6.  

Nhưng với những ca tử vong vì bệnh lý thế này, không thể không đề cập tới thể trạng người bệnh. Đó là nguyên tắc y khoa. Họ là những bệnh nhân suy thận đã kiệt cùng thể xác sau hàng chục năm chạy thận nhân tạo. Là những người ung thư giai đoạn cuối, những người tiểu đường, suy tim… Với nền bệnh ấy, với tuổi tác đều đã sáu, bảy mươi ấy, sức đề kháng đã không còn, dù không mắc COVID thì thời gian sống có lẽ cũng chỉ tính bằng tháng, bằng ngày. 

Nói vậy, không phải để “nói giảm, nói tránh” về nguy cơ dịch bệnh. Bởi thế giới đến thời điểm này đã có gần 18 triệu người nhiễm COVID-19 (trong đó hơn 11 triệu người đã khỏi), và trên 680 ngàn người tử vong. Mà chính vì sự thật, vì sự công bằng và toàn diện trong nhận định, đánh giá tình hình. Và cũng không sợ dân tình chủ quan. Tính đến hôm qua, sau 189 ngày chống dịch, ngoài 3 ca tử vong, Việt Nam đã chữa khỏi 373 ca, trong tổng số 558 bệnh nhân mắc COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay.

Đà Nẵng hai ngày qua ắng lặng có lẽ chưa từng thấy trong lịch sử của mình. Hình ảnh bắt gặp trên đường phố chủ yếu là hoạt động không mệt mỏi của các lực lượng chức năng. Những bệnh viện dã chiến cấp tốc được dựng lên “chia lửa” với những bệnh viện lớn hiện đang phong tỏa. Nhà nhà đóng cửa, người dân ai nấy hầu như ở yên một chỗ. Trước “chiến cuộc” COVID đang ngày một leo thang này, người dân đã ý thức được tình thế hiểm nghèo. Đến chiều tối qua, lại thêm hai địa phương nữa là Thái Bình và Đồng Nai xuất hiện ca bệnh, đều liên quan đến Đà Nẵng.

Đang sống giữa lòng Đà Nẵng, như đã từng suốt hơn 40 năm qua, tôi hiểu rõ tâm thế của con người nơi đây. Bình thản, tự tin, biết trước biết sau và biết mình. Thời điểm này, người dân Đà Nẵng mạo hiểm ra chợ, ra đường chỉ là để tìm cách nấu nướng, mua bán hàng hóa để hỗ trợ, chi viện cho những y, bác sĩ các bệnh viện tuyến đầu đang gồng mình cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện bị phong tỏa. 

Đà Nẵng đã sẵn sàng xét nghiệm dịch bệnh cho toàn bộ hơn 1 triệu dân thành phố. Ngày mai, ngày kia, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hẳn sẽ có thêm những ca bệnh không qua khỏi vì COVID. Nhưng tôi biết người dân nơi đây sẽ không hoảng loạn.

Bão số 2 Sinlaku đang rập rình đổ bộ vào từ biển Đông. Đà Nẵng, miền Trung có thể sẽ lại là một trong những nơi hứng chịu. Như đã từng thử thách bền bỉ và muôn đời với mảnh đất này.  

MỚI - NÓNG