Chỉ có trời sai?!

TP - Đó là cảm thán của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 5/11. Rằng “mọi thứ chúng ta đều đúng, chỉ có trời là sai vì mưa nhiều quá!”. Khi lãnh đạo bộ, ngành liên quan trả lời, cho rằng mọi quy trình, tiêu chí liên quan đến thủy điện, đến rừng đều “chặt chẽ, bài bản”.

Và có lẽ hiếm khi có cuộc chấn vấn nào mang tính “sát sạt” giữa nghị trường, như đối đáp giữa nữ ĐBQH Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà một ngày sau đó. Cũng về thủy điện nhỏ, việc mất rừng, và vấn đề trách nhiệm.

Nhưng rồi, cuối cùng thủy điện lợi hay hại, rừng tăng hay giảm, còn bao nhiêu, thế nào mới được gọi là rừng, thì giữa đại biểu dân cử với nhà quản lý vẫn chưa thể cùng quan điểm. Ngoài việc quản lý ngành thừa nhận, đó là “nếu có sai phạm…, thì đều là do con người”!

Đồng ý rằng, quy trình và tiêu chí nói chung về thủy điện và rừng cần được đánh giá môt cách khách quan, khoa học, không nên phê phán kiểu “vơ đũa cả nắm”. Nhưng đáng nói là có những “đứt gãy” trong chuỗi quy trình, thủ tục ấy, khiến cả chuỗi bị lung lay, thậm chí gãy đổ, thì ứng xử ra sao? Như ý kiến của đại biểu Trần Thanh Vân, đó là “khi chọn địa điểm và lạm dụng quy trình, thủ tục để trục lợi thì điều đó đáng lên án”. Mà thực tế ấy đã xảy ra ở nhiều nơi.

Thủy điện Rào Trăng 3 vừa bị tỉnh Thừa Thiên Huế đình chỉ xây dựng, sau khi nhận thấy dự án này “có nguy cơ mất an toàn rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ”. Đáng lẽ ngay khi người dân và báo chí phản biện từ 3-4 năm trước, khi thủy điện này được quyết định cấp phép xây dựng, nếu địa phương cầu thị tiếp thu thì đâu đến nỗi xảy ra những thảm nạn liên hoàn như vừa qua?

Phê duyệt của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho loạt dự án thủy điện này ở Rào Trăng đương nhiên là nằm trong quy hoạch, và rất “đúng quy trình”, đúng “tiêu chí”. Nhưng sao đến giờ tỉnh mới phát hiện rằng nó nguy hiểm? Và rồi “quả bóng” được đá ngược lên Bộ Công thương, với kiến nghị nhờ “đánh giá mức độ an toàn” đối với dự án thủy điện này! Bộ quyết được điều này không? Và nếu dự án bị hủy bỏ, ai sẽ đền bù cho doanh nghiệp?

Chính quyền huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) vừa buộc thủy điện Đăk Mi 4 phải đền bù thiệt hại cho dân sau đợt xả lũ kinh hoàng chiều ngày 28/10 vừa qua. Với nhân chứng, vật chứng thu thập cụ thể. Trong khi quan điểm của thủy điện lẫn các cơ quan quản lý vẫn là “thủy điện điều tiết lũ giúp dân”. Thử hỏi có khi nào nước mưa đổ ập xuống cả chục ngàn mét khối nước mỗi giây, cấp tập vào một khu vực dân cư, như kiểu “điều tiết” của thủy điện không?

Thực tiễn luôn là phép thử công minh của mọi thứ lý thuyết. Luật pháp và các quy định cũng không đứng ngoài nguyên lý ấy. Người dân cảm kích và ghi nhận những tranh luận thẳng thắn, công khai giữa nghị trường, liên quan trước hết đến sự sống còn của mình. Nhưng cần hơn, đó là sự cầu thị, và thay đổi thực sự.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.