Chính quyền ở đâu?

Chính quyền ở đâu?
TP - Hàng vạn hộ dân sinh sống tại các quận, huyện phía Tây Nam Hà Nội vẫn còn hoang mang, lo lắng vì nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải. Rủi thay, đó lại là nguồn nước duy nhất họ được mua, mà không có nguồn nào thay thế cho đến thời điểm này. 


Cho nên giữa tâm điểm cơn khủng hoảng nước sạch những ngày qua, người dân phải lên tiếng đặt câu hỏi: “Chính quyền đang ở đâu trong sự cố này?!”

Câu hỏi của người dân cũng là vấn đề dư luận báo chí quan tâm: Phía sau chuyện đổ dầu thải vào nguồn nước sạch là gì? Còn chính quyền ở đâu mà không nắm bắt được sự cố để kịp thời đưa ra giải pháp xử lý nhanh nhất chẳng hạn như: Dừng ngay việc cấp nước nhiễm dầu thải; tìm nguồn nước sạch thay thế tạm thời cho dân.

Thông thường, khi có sự cố về môi trường như cháy nổ, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, chính quyền phải là người có thông tin sớm nhất, đầy đủ nhất, để lượng hóa tác động ảnh hưởng; từ đó đưa ra cảnh báo kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho dân. Nhưng với sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà, đến ngày 15/10, tức là hơn một tuần sau Thành phố mới lên tiếng tại giao ban báo chí định kỳ. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay: Các mẫu nước sông Đà mang đi xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép [(20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT] từ 1,3 đến 3,65 lần. Như vậy là người dân Hà Nội đã phải sử dụng nước nhiễm dầu thải có chứa Styren cao hơn tiêu chuẩn suốt cả một tuần, chưa kể trong dầu thải có thể còn có những hóa chất độc hại hơn styren.

Trong sự cố này, lần đầu tiên người dân thấy lãnh đạo Thành phố lên tiếng là vào sáng 15/10 tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở đơn vị bầu cử số 1. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin: “Nhà máy nước sông Đà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, không có hành động để ngăn chặn, do đó dầu chảy vào nhà máy và từ đó cấp cho dân”. Nếu không có cuộc tiếp xúc cử tri đó, không biết đến bao giờ người đứng đầu thành phố mới nói với dân về câu chuyện nước sông Đà ô nhiễm, liên quan đến sinh mạng của dân?!

Gần một tuần, Hà Nội được tái hiện khung cảnh đầy bi hài “thời bao cấp” với những trường đoạn người chen chúc xếp hàng, tay xách nách mang những xô chậu lỉnh kỉnh, những chai lọ lôi thôi rất ngộ với hiện thời. Dù anh là ai, đang sống ở chung cư cao cấp hay thấp cấp, trước cảnh ngộ mất nước cũng đều như nhau cả thôi.

Và phải nhiều ngày sau sự cố, bằng các biện pháp thô sơ thuê người dân địa phương thu gom váng dầu thải, tăng lượng Clo… Nhà máy nước sông Đà mới cấp nước trở lại cho dân. Nhưng người dân vẫn không biết nguồn nước cấp trở lại có đủ an toàn hay không?

Một câu hỏi khác được nêu ra đó là, vì sao cho đến nay, sau mười mấy lần vỡ đường ống nước sông Đà, hàng vạn hộ dân mấy quận huyện phía Tây Nam thành phố vẫn phải đánh cược mình vào nguồn nước vốn nhiều tai tiếng này?

Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề giao cho tư nhân kinh doanh lĩnh vực có tính độc quyền như nước sạch, cho thấy “lỗi hệ thống” trong tư duy quản trị. Rõ ràng cấp nước là việc rất lớn, có thể làm đảo lộn cuộc sống  hàng triệu dân; thậm chí đình trệ sản xuất và gây rủi ro lớn khi nước sạch còn là chuyện độc quyền của một vài “ông lớn”, mà tâm không lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố; đồng thời, có giải pháp bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm. Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Chỉ sau một ngày Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường đối với hành vi đổ dầu trộm vào đầu nguồn nước sông Đà cơ quan chức năng đã bắt được 2 nghi can. Nhưng vẫn còn đó hành vi cố tình bán nước ô nhiễm dầu thải cho dân Thủ đô. Hành vi đó gây tổn hại sức khỏe, tổn hại vật chất tinh thần của hàng vạn hộ dân Thủ đô như thế nào không khó để lượng hóa.

Rồi đây vụ án sẽ được làm rõ. Nhưng câu chuyện lớn hơn thuộc về chính quyền vì đã không giám sát chặt chẽ. Một khi chính quyền giao cho các đơn vị cung cấp nước sạch kinh doanh mang tính độc quyền và ảnh hưởng đến rất đông người dân, thì phải kiểm soát chặt chẽ. Nếu chính quyền giao lĩnh vực quan trọng này cho tư nhân rồi để mặc họ thì sớm muộn sẽ dẫn đến
tai họa.

MỚI - NÓNG