Cho hòa bình một cơ hội

TP - “Everybody’s talking ‘bout Bagism, Shagism, Dragism, Madism, Ragism, Tagism This-ism, that-ism, is-m, is-m, is-m. …” Đó là lời mở đầu kỳ quái của ca khúc phản chiến nổi tiếng của John Lennon, thủ lĩnh ban nhạc huyền thoại The Beatles.

Những người lần đầu tiên được nghe Lennon và vợ, Yoko, trình diễn ca khúc này tại Montreal, Canada đã không thể nào hiểu được Bagism, Shagism, Dragism, Madism, Ragism, Tagism nghĩa là gì, bởi đơn giản đó là những từ vô nghĩa, do Lennon sáng tạo ra. Nhưng câu tiếp theo đã biến cả đoạn trên trở thành có nghĩa, khi Lennon hát “All we are saying is give peace a chance”. “Tất cả những gì chúng tôi muốn nói, là cho hòa bình một cơ hội”.  Cho dù ai đó có nói gì, làm gì, thậm chí là những câu nói, hành động rất khó hiểu.

Dường như ca từ của bài hát này cũng có điều gì đó tương đồng với ý nghĩa của sự kiện hội nghị thượng đỉnh  Mỹ - Triều. Trước cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un ngày 12/6 tại Singapore là cả loạt hành động đối đầu, những bước đi toan tính, những tuyên bố tiền hậu bất nhất, giữa đôi bên. Chúng cũng khó hiểu như những ngôn từ “sáng tạo” nêu trên của John Lennon.

Và cho dù hôm qua, cả hai bên đã đặt bút vào một bản thỏa thuận, thì vẫn còn đó những khoảng mờ, giữa lời nói và hành động, giữa những ngôn từ kêu xủng xoảng và ý định thực của mỗi bên. Đúng như một người dân Nhật Bản nhận định với phóng viên cho dù anh rất mừng vì hội nghị Mỹ - Triều cuối cùng cũng diễn ra, rằng “từ cái bắt tay đến hành động cụ thể là một quãng đường chẳng dễ dàng gì”.

Hai bên có thực tâm với nhau không, thực tâm đến đâu, chỉ có Chúa và họ biết. Và những gì ông Trump nói hôm qua có được đảm bảo trong tương lai hay không, có được tiếp tục ở nhiệm kỳ tổng thống Mỹ kế tiếp hay không, tất cả vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Còn về phía ông Kim. Đâu đó vẫn có ý kiến, nhất là từ phía người Mỹ, rằng liệu cuộc gặp có tạo ra một tiền lệ, khi người ta ra sức phát triển thứ vũ khí giết người hàng loạt để rồi nghiễm nhiên có được quyền mặc cả.

Nhưng trên hết, như Lennon đã hát, rằng dù người ta có là ai, có quan điểm ra sao, thì hòa bình vẫn cần được tạo cơ hội. Dù còn nhiều băn khoăn về hội nghị Mỹ-Triều thì ít nhất, người yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn có lý do để vui mừng. Bởi đối thoại bao giờ cũng tốt hơn đối đầu.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.