Chủ nhân điểm lậu

TP - Tôi vẫn cố thử hình dung về những gương mặt ấy. Những cô cậu sinh năm 2000 bị phát hiện gian lận điểm thi trong kỳ thi đại học vừa qua. Hà Giang 114 em, Hòa Bình 66, Sơn La 44… Trong số ấy nhiều thí sinh được cộng thêm hàng chục điểm. Thậm chí được “phết” thêm đến 28 điểm như ở Hà Giang.

Thi 3 môn điểm thật chỉ có 0,45, nhưng được sửa lên tới 27 điểm như ở Sơn La! Để chen vào các trường “đỉnh”. Kể cả Y khoa.

Những người sửa điểm đã lộ sáng, bị khởi tố điều tra hàng loạt. Còn những người được sửa điểm? Tôi nghĩ cơ bản biểu hiện bên ngoài của chúng chắc cũng không khác gì với những đứa con của tôi, của chúng ta. Cũng tí tởn, mê mẩn với K-pop, với các “thần tượng”, game, trà sữa cùng ba thứ nhăng nhít.

Khi biết bố mẹ, người thân sắp đặt cho một cuộc “lên ngôi” thủ khoa ở những ngôi trường hot nhất nước, có thể chúng thờ ơ. Không phản đối, không hăm hở, cũng chẳng thấy lo lắng điều gì. Tuổi ấy thường vậy. Và dám chắc chúng cũng chẳng mặn mà, mê mẩn gì với cái trường, cái nghề mà cha mẹ chọn cho. Một người trẻ nếu thực sự mê say thứ gì đó, sẽ không chịu để ai dẫn dắt. Không làm những thứ ngoài thực lực của mình.   

Bây giờ thì những sinh viên trong danh sách “đen” lần lượt bị trả về. Riêng Hòa Bình, Bộ Công an vừa “trả” về 28 sinh viên. Không rõ những cô cậu điểm cao chót vót ấy, suốt năm qua học hành thế nào? Thông tin từ nhiều trường, thì kết quả học tập của các em hầu hết ở mức thấp.

Cũng có những trường hợp số điểm được nâng lại “may mắn” không rơi vào tổ hợp môn xét tuyển, theo quy chế vẫn được học tiếp. Nhưng hình dung áp lực của các em, cả về thực lực lẫn sự xấu hổ trước bạn trước thầy cô sẽ nặng nề ra sao. Có vượt qua nổi để làm người bình thường được không?

Tôi cũng cố hình dung về bố mẹ những cô cậu học trò ấy. Tên tuổi, chức vụ, gia thế… Những điều vẫn còn đang lờ mờ. Họ đau xót không? Giày vò không? Khi đẩy những đứa con đứt ruột yêu thương của mình vào cảnh ngộ ê chề?   

Hạt giống nào, môi trường nào được cho là tốt, giữa thời buổi này?. Con nhà nòi, dư thừa điều kiện hay nhà nghèo vượt khó? Những cô cậu trẻ ấy chưa/chậm trưởng thành, có lẽ bởi chúng chưa bao giờ phải chịu đói khát, nhà chật, em đông, cha mẹ lam lũ chạy ăn từng bữa. Như số đông cùng lứa. Nên suy nghĩ cạn cợt, giản đơn hơn?

Hạt giống, gia thế nào được cho là tốt? Một cán bộ hàng lãnh đạo còn trẻ ở Đà Nẵng, có cha là một chính trị gia lão luyện, vừa bị đề nghị kỷ luật nặng, vì vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, và những điều đảng viên không được làm. 

Được biết theo quy chế, những thí sinh “lậu” điểm năm ngoái vẫn được tham gia kỳ thi năm nay. Đó là tin tốt. Bởi chắc không ít em đã tỉnh ngộ, tìm cách sửa lỗi lầm.

Còn gương mặt các em, ít “bị” nhiều người nhìn thấy, với riêng tôi đó là điều nhẹ nhõm…

MỚI - NÓNG