Chuyện Cù lao

TP - Cù Lao Chàm tuần qua lại “nóng”, khi Đà Nẵng vừa có ý định mở tuyến du lịch đường sông biển đưa khách từ thành phố ra thẳng hòn đảo nhỏ xinh đẹp này. Gây ra phản ứng khá gay gắt từ phía Hội An.

Chuyện ngỡ như bình thường, khi doanh nghiệp du lịch mong muốn đem lại “trải nghiệm mới” và cả sự tiện lợi cho du khách. Nhưng cách triển khai cũng như đích đến lại không bình thường. Khi đó là Cù Lao Chàm.

Trước khi nói tiếp vì sao, xin kể về một “khách sạn không sao” (tiếng Đức là Null Stern) trên độ cao 2000 mét thuộc dãy núi Alps của Thụy Sĩ.  Khách sạn ấy kỳ thực chỉ là một…chiếc giường kê lộ thiên giữa núi, không phòng ốc, tiện nghi. Vậy mà khách nườm nượp đăng ký được nghỉ trên chiếc giường ấy, để được ngắm ngàn sao, ngắm dãy núi thơ mộng và hùng vĩ nhất châu Âu. Với giá bằng cả chục triệu tiền Việt mỗi đêm.

Ai đó cười, bảo núi non bát ngát sao không xây khách sạn, biệt thự, hay kê thêm cả trăm chiếc giường Null Stern nữa để tận thu?! Nhưng nếu vậy, thì đó chỉ là cách tiêu diệt nhanh nhất cảm xúc và trải nghiệm có một không hai của du khách, chỉ vì túi tiền của một vài ông chủ. Cũng như dòng người sẵn sàng bỏ vài ngàn đô la và chờ đợi cả năm trời để được tham gia tour thám hiểm Sơn Đoòng – hang động lớn nhất và độc đáo nhất thế giới. Cảm xúc, tuyệt vời sẽ đi theo suốt đời người. Chứ không phải bằng cách mở cáp treo, biến đặc sản hiếm quý trở thành “cơm bụi”. 

Cù Lao Chàm – Khu dự trữ sinh quyển thế giới đang mong manh trước làn sóng người đổ xô ra du lịch. Hội An từ lâu đã phải khống chế khách ra đảo mỗi ngày không quá 3.000 người. Kỳ thực ngay phố cổ Hội An cũng như nhiều điểm du lịch nổi tiếng cả nước lâu nay cũng quá tải trầm trọng. Sapa thì đang khát. Du lịch thời nay đã cướp mất của con người bao cảm xúc và sự thăng hoa, mà cơ bản chỉ còn là cuộc hành xác, chỉ để giải quyết nhu cầu “đã đặt chân đến”!

Hội An cho rằng đã không được tôn trọng, khi nơi khác đến khai thác du lịch mà không nghe “nói năng chi!”. Tất nhiên đó chỉ là về thủ tục, đôi bên ngồi lại với nhau cũng không khó gì. Nhưng điều đáng lo hơn cả, đó là sự quá tải của di sản, từ thiên nhiên tới nhân tạo.

Hùng vĩ như núi Phú Sĩ ở Nhật Bản mà cũng cần phải được “nghỉ ngơi”, hạn chế du khách. Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới đóng cửa định kỳ cho cổ vật dưỡng sức. Con người có nhu cầu nghỉ dưỡng, thì thiên nhiên lẫn cổ vật sao bắt làm việc quần quật? Những cổ vật sa thạch ngàn năm tuổi như ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng có được nghỉ ngơi không?

Đến lúc mọi tài nguyên trên thế gian này cạn kiệt. Con người không thể chờ hàng triệu năm nữa để thiên nhiên tái sinh. Vậy chỉ còn cách chắt chiu gìn giữ. Khai thác một cách tỉnh táo và thông minh. Chứ không “ăn sống nuốt tươi” như hiện giờ.

MỚI - NÓNG