Cơ hội và thách thức

TP - Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA, Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.

Với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EU là một trong năm thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA, Việt Nam trở thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU.

Hiệp định thông qua được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng của Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Ở góc độ tích cực, cam kết trong EVFTA là cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Hiệp định giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực, tận dụng được các lợi thế về xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế, tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ...

Hàng loạt kỳ vọng được đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu hơn nữa, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kỳ vọng lớn nhất chính là việc hàng hóa đưa vào chuỗi các nước ở EU giúp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của chính các doanh nghiệp Việt. Một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng luôn là tốt với các doanh nghiệp thật sự muốn phát triển. Yêu cầu cao về chất lượng đồng nghĩa giá bán, giá trị gia tăng của sản phẩm càng cao.

Bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chuẩn bị tâm thế cho việc đối mặt nhiều thách thức. Dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam, tại khu vực này vẫn rất khiêm tốn. Vượt qua rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ cũng là vấn đề các mặt hàng nông sản Việt đang vật vã cải tổ nhiều năm chưa xong như: dư lượng thuốc trừ sâu, xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn cho hàng xuất chính ngạch…

Chấp nhận cải tổ mạnh hơn nữa về nhiều phương diện, từ tham gia chuỗi giá trị, cạnh tranh trực tiếp với hàng EU, tạo môi trường đầu tư mở hơn, cũng như giải quyết các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới... cũng là thách thức không nhỏ với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt. Việc khai phá các thị trường mới với thuận lợi và khó khăn đan xen chính là sức ép cạnh tranh lành mạnh, không chỉ là cơ hội mà còn giúp doanh nghiệp không bị rơi vào cảnh phụ thuộc một thị trường xuất khẩu duy nhất.

Không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Những con đường chông gai sẽ giúp các doanh nghiệp ngày càng mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp khỏe, xuất khẩu sẽ tốt, kinh tế sẽ phát triển đi cùng với tăng trưởng. Từ bây giờ, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan Chính phủ phải gấp rút bắt tay thực hiện những phần việc của mình. Còn nếu không, việc lỡ "chuyến tàu cơ hội" sẽ kéo theo những hệ lụy rất lớn.

MỚI - NÓNG